Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ chạm Ninh Xá
|
Về Ninh Xá thăm nghề chạm khắc gỗ
Trước kia, phố Ninh Xá có khoảng 30 – 40 hộ gia đình chuyên sản xuất các loại đồ thờ và các vật dụng trang trí trong nhà như: ngai, ỷ, kiệu rước thánh, tượng, hương án, bát biểu, hoành phi, câu đối, cuốn thư…Có những công trình kiến trúc trạm khắc vô song do bàn tay người thợ Ninh Xá làm ra như: Rồng vờn xoắn xuýt bên nhau ở bộ cánh cửa đình Hát của xã Nam Chấn; những đôi rồng chầu mặt nguyệt được chạm nổi ở bốn tấm cửa trong hậu cung đình của xã Nam Thịnh; trên những bức cốn, xà ngang, xà dọc, xà nách đều có trạm khắc long sào, thú vuốt râu rồng, voi phục, tiên cưỡi rồng, đôi sóc hôn nhau ở ba gian hậu cung chùa Quần Chử của xã Nam Hải và nhiều công trình đền chùa khác ở các xã thuộc tỉnh Nam Định.
Các nghệ nhân đã có kinh nghiệm đúc thành nguyên tác để tạc tượng như: “nhất điện tam trùng” nghĩa là ba mặt có khoảng cách bằng nhau. Từ chân tóc đến gốc lông mày, từ gốc lông mày đến mũi, từ mũi đến cằm. Chiều cao của lưng tượng ngồi bằng bốn lần chiều dài của mặt. Đó chính là cách tạc tượng sao cho cân bằng và đẹp nhất.
Thợ chạm khắc Ninh Xá chuyển sang đóng giường tủ, bàn ghế thông dụng đối với cuộc sống của người dân. Lớp trẻ không quan tâm đến nghề trạm khắc còn người thợ già thì thỉnh thoảng chạm chiếc lèo tủ bán được chăng hay chớ. Năm tháng trôi qua lớp thợ lão luyện dần dần vắng bóng, nghề mộc có nguy cơ bị thất truyền thì đất nước hoàn toàn giải phóng. Các cơ quan, trường học bắt đầu được tu sửa và xây dựng lại, cuộc sống vật chất của người dân dần được nâng cao, nhiều gia đình có bát ăn bát để, có điều kiện mua sắm các vật dụng trong nhà không chỉ thực dụng mà có chức năng trang trí: tủ đứng, tủ bằng, tủ lệch…người thợ Ninh Xá lại có việc để làm. Họ nhận làm sập giường hộp kiểu mới, sản xuất những con cá hóa rồng, sư tử vờn cầu, hổ vằn đi dạo, tượng tiều phu, ngư ông đang đánh cá…Các loại tủ kiểu nào cũng chỉ được vài năm lại lạc hậu nên nhân dân ta lại quay sang dùng tủ chè – một loại tủ cổ điển của dân tộc. Tủ chè là một mặt hàng đắt chưa từng có trong lịch sử và nghề chạm khắc ở Ninh Xá được phục hưng nhanh chóng. Nguyên liệu đóng tủ chè là gỗ gụ. Đây là loại gỗ dẻo quánh, bền, chắc, không bị mối mọt, cong vênh, chịu lực khỏe. Khi chạm khắc các chi tiết nhỏ cũng không bị xước, gỗ màu nâu, để lâu sẽ ngả sang màu nâu đen, lau kĩ thì bóng như sừng.
Không chỉ mua sắm các vật dụng trang trí trong nhà, người dân cũng bắt đầu nghĩ đến việc tu sửa các ngôi đình, mái chùa. Để đáp ứng nhu cầu đó một bộ phận người dân Ninh Xá lại chuyển sang sản xuất mặt hàng đồ thờ: hoành phi, câu đối, cuốn thư, kiệu rước thánh, tượng, bàn ô sa, ngai, khám…Nếu trước kia những người thợ Ninh Xá phải làm tất cả các công đoạn bằng tay thì hiện nay người dân đã sử dụng các loại máy móc hiện đại vào sản xuất như: máy cưa, máy khoan, máy lộng, máy chà, máy bào…để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ninh Xá hiện nay là nơi thu hút rất nhiều lao động ở các vùng lân cận đặc biệt là những người dân Thanh Hóa, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết công ăn việc làm cho những người dân nghèo.
Những giá trị kinh tế xã hội của nghề chạm khắc gỗ Ninh Xá
Nhờ có nghề mộc, tình trạng thất nghiệp của người dân vào những lúc nông nhàn đã được giải quyết và mang lại thu nhập rất lớn cho người dân Ninh Xá. Có thể nói ở Ninh Xá nhà nhà làm nghề mộc, người người làm nghề mộc. Từ các em nhỏ 9 - 10 tuổi cho đến những người trung tuổi đều tham gia vào quá trình sản xuất.
Việc sản xuất đồ thờ đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân Ninh Xá. Ngoài những buổi tới trường, các em nhỏ cũng tranh thủ ở nhà làm thêm giúp gia đình. Bình quân thu nhập cũng được ít nhất là 1 triệu/tháng. Những người thợ có tay nghề cao thu nhập bình quân của họ từ 5-6 triệu/tháng. Những người thợ ngang chuyên sử dụng máy móc và lắp ghép sản phẩm bình quân thu nhập được khoảng 6-7 triệu/tháng. Đó là những số tiền không nhỏ so với thu nhập bình quân của người Việt Nam ngày nay.
Ngoài việc bán sản phẩm thì những đồ thừa từ quá trình sản xuất như: mạt cưa, củi vụn được đem bán đi và cũng có thêm thu nhập cho gia đình. Với số tiền kiếm được cuộc sống của người dân Ninh Xá dần dần được cải thiện. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm, trong nhà có đầy đủ tiện nghi như: tivi, tủ lạnh, xe máy, máy giặt, bình nóng lạnh…
Để đền đáp ơn sâu của ông tổ nghề người dân đã rước bài vị của cụ về thờ trong đền, đổi tên làng, tên họ theo họ của cụ và cứ ba năm lại tổ chức lễ hội một lần.
Đỗ Hoàng (LVO)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghe-cham-khac-go-ninh-xa-20160922103849891.htm