Hát thương trâu
|
Nghệ thuật sử dụng ngôn từ qua các lời khấn
Việc đọc các bài khấn trong các nghi lễ cộng đồng thường do già làng (hoặc người chủ lễ) thực hiện. Lời khấn thường được đọc với âm điệu ngân nga và kéo dài, trước khi gọi tên các vị thần người đọc thường thêm tu từ "oh" để thể hiện sự thành kính và tôn trọng các vị thần linh. Kèm theo những lời khấn đó, người đọc thường có động tác giơ tay lên trời như để mời gọi các vị thần linh về chứng kiến ngày lễ của làng. Những lời khấn không cần chuẩn bị, học thuộc trước mà thường được người ta ứng khẩu đọc lên trong không khí linh thiêng của nghi lễ. Tùy vào từng mục đích nghi lễ mà người ta có những lời khấn khác nhau cho phù hợp. Do vậy lời khấn thường mộc mạc, thể hiện niềm tin chân thành của người khấn với thần linh. Lời khấn trước khi lấy trống thiêng và chiêng xtang ra đánh trong nghi lễ ăn trâu vào nhà rông mới của người Xơ Teng vói ý nghĩa là đánh thức hồn chiêng... “Oh! mơ hoa ching, mơ hoa gâl. Hi cô lây piên pró mân cá pô. Chẹc mơ hoa ching, mơ hoa gâl humh lặm. Ội piên tiệng xi hiệm il. Chẹc xiặng ăm gâl kịch kan ọ, ăm ching kịch lăm ngai. Ăm ngai tụl ching tụl gâl pui klẹ công. Ăm mân cá pô môi iar nệu rọh o...” (... Hỡi hồn chiêng, hồn trống! Hôm nay làng chúng tôi tổ chức ăn trâu. Xin hồn chiêng, cùng hồn trống hãy thức dậy. Chúng tôi xin cúng máu gà. Xin các thần cho trống kêu thật to, cho chiêng vang thật xa. Cho người đánh chiêng đánh trống không mỏi tay. Cho lễ ăn trâu thêm vui nhộn...). Theo quy định, chỉ sau khi khấn và bôi máu vật hiến sinh vào trống thiêng và bộ chiêng xtang thì trống và chiêng mới được đem ra diễn tấu.
Lời khấn được thể hiện trong rất nhiều lễ thức khác nhau của các nghi lễ cộng đồng như: vị trí đặt máng nước trong nghi lễ bắc máng nước; xin vị trí chôn cây gâng, dâng đồ hiến tế trên t’trẹi (dàn tế) trong nghi lễ ăn trâu...
Nghệ thuật sử dụng ngôn từ qua hình thức hát dân ca
Có hai hình thức hát dân ca xuất hiện trong nghi lễ cộng đồng của người Xơ Teng, đó là hát dân ca nghi lễ và hát dân ca sinh hoạt.
Hát dân ca nghi lễ được thực hiện chủ yếu qua lời hát thương trâu là một hình thức sử dụng nghệ thuật ngôn từ cũng mang nét riêng của người Xơ Teng. Hát thương trâu của người Xơ Teng thường được hát tự do theo kiểu tự sự, được người hát ứng tác tại chỗ. Đó là những lời hát của cả cộng đồng dành cho con trâu, thể hiện tình cảm của con người để tiễn biệt trâu về với thế giới của thần linh. Trong khoảnh khắc đó người ta bắt đầu hát thương trâu (nghê uội pô) để thể hiện lòng biết ơn của con người đối với trâu đã hy sinh cho cả cộng đồng.
Hát thương trâu của người Xơ Teng rất đơn giản, đó chỉ là những lời hát tâm sự theo cách hát rơngai (tự sự) mà con người muốn bày tỏ cùng trâu. Hình thức này cũng xuất hiện ở người Mơ Nông gọi là Nhim khêt rpu (khóc trâu) và một số tộc người khác như Ê đê, Gia Rai... Hát thương trâu là lối ứng xử đầy tính nhân văn, đồng thời đó cũng là lời tạ lỗi của con người trước khi tiễn biệt con trâu về với thế giới của thần linh. Hát mở đầu là người phụ nữ chăm sóc trâu, cứ thế người ta thay nhau hát để tiễn biệt trâu. Hát thương trâu của người Xơ Teng thường có nội dung như sau:
O pô! Cộu, hngêi piên stăm ttroọng peị Pô hiệng lặm, lặm băng shạng. Shạng vêi hiệng êh hịu tắk mi clêng tọng vêi. Gâng cá pô hiệng pịc. Prạ hiệng mụt nọong ê. Ê hiệng cá nhặt va poong nhan. Vi cật chêng pô, pô puôi ti tặ vi. Vi pịt pô, pô puôi ta p’huôi. Vi cật cô pô trọ ajang t’trệi. Ham, kliêm pô vi ặm xiặng. Au uôi êh hiệng hin. Treng ếh lo khịu lây piên, ếh hịu spuôi rkai bặng vêi. Prou ti vêi ặm lây piên mố miết, pêi ca lố, manh chi ta mố, rê ton...
(... Này trâu ơi! (thường gọi tên con trâu). Hôm nay, gia đình (làng) có việc cần mày giúp đỡ. Mày phải đi, đi về với thần linh. Hãy lên trời để giúp đỡ thần. Cột ăn trâu đã trồng. Dây đã vào cổ mày. Trâu hãy ăn cỏ và cơm rượu. Họ cột chân, trâu đừng đá. Lúc họ đâm trâu, trâu đừng kêu. Họ cắt đầu trâu đặt lên giàn tế. Máu trâu, tim trâu cùng đầu trâu họ hiến cho thần linh. Ta thương trâu lắm. Nếu thương dân làng, trâu hãy nói vói thần linh. Phù hộ cho dân làng sức khỏe, làm ăn ra, không đau ốm, bệnh tật...)
Vừa hát thương trâu, người ta vừa cho trâu ăn cỏ và cơm rượu hoặc hèm rượu. Việc hát thương trâu thường diễn ra trong khoảng thời gian từ chập tối cho đến đêm trong ngày thứ nhất của lễ ăn trâu (thường từ 7h 30 đến 9h). Nếu ăn trâu trong phạm vi gia đình thì chỉ có các thành viên trong gia đình hát thương trâu, còn trong phạm vi cộng đồng thì ai cũng có thể hát để tiễn biệt trâu. Bà Y Ắt (1940) ở làng Lây Văng, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Khi hát thương trâu, con trâu nó cũng biết được là nó sắp chết, nên vào những lúc chúng tôi hát thấy trâu cũng chảy nước mắt, nhìn thấy vậy tội trâu lắm”. Trong thể nói với lối ứng xử này, người Xơ Teng xem con trâu chính là sứ giả thay mặt cho cộng đồng để về với thần linh để cầu xin sự bình an, no ấm cho cả cộng đồng.
Ngoài ra, sau khi thực hành các lễ thức chính, vào những buổi tối, sau khi ăn uống no say người Xơ Teng lại thể hiện mình qua các làn điệu dân ca. Đây là lúc họ thực sự thăng hoa qua các cung bậc cảm xúc khác nhau với điệu hát tin tin, rơngai, là hai hình thức hát đối đáp trò chuyện giữa các thành viên trong cộng đồng được ứng tác trong từng nghi lễ cụ thể. Nội dung chủ yếu là diễn tả lại những sinh hoạt trong lao động sản xuất hoặc biểu lộ tâm tư, tình cảm của từng cá nhân với nhau và cộng đồng.
Xơ Teng là một trong năm nhánh của tộc người Xơ Đăng, cư trú chủ yếu ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum (huyện Đăk Tô, và huyện Tu Mơ Rông).
TS. A Tuấn (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghe-thuat-su-dung-ngon-tu-trong-nghi-le-cong-dong-cua-nguoi-xo-teng-20160809141455382.htm