Từ xa xưa trong tâm thức của người dân Việt luôn âm vang một câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” để nhắc nhở về cội nguồn và đạo lý thủy chung phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam.
“Các Vua Hùng có công dựng nước”
Đức vua Lê Thái Tổ sau khi đã giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ 20 năm của phương Bắc, để khẳng định nền tự chủ và văn hiến Đại Việt đã tuyên ngôn về lòng tự tôn dân tộc bằng nguyên lý: “Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như nước và cây phải có gốc nguồn... Vì rằng gốc có vượng thì lá mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dài, nếu không có nhân ân của đời trước bồi đắp dày dặn, phúc trạch đời trước chung đúc lớn lao, thì làm sao lại có thể được như (ngày nay) vậy” (lời tựa sách “Lam Sơn thực lục”).
Câu ca dân gian và tư tưởng của người anh hùng dân tộc đã biến những nhân vật huyền thoại và một hệ thống truyền thuyết về một vị thuỷ tổ của dân tộc trở thành một hiện thực gần gũi đối với mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng qua những nghi thức của tập quán thờ cúng tổ tiên.
Bộ sử đầu tiên của nhà Lê đã ghi nhìn nhận về nguồn gốc dân tộc: “... Nước Đại Việt ta ở phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã chia vạch Nam Bắc. Thuỷ tổ ta ra tự con cháu Thần Nông thị. Thế là Trời đã sinh ra chân chúa. Vì thế mới cùng Bắc triều đều làm chủ một phương” (Ngô Sĩ Liên - “Đại Việt sử ký toàn thư”).
Trong “Bình Ngô đại cáo”, Ức Trai Nguyễn Trãi lại khẳng định hùng hồn hơn nữa bằng áng hùng văn rung động lòng người: “Như nước Đại Việt ta thuở trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Bờ cõi, cương vực đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác...”
Các nhà khoa học đã và không ngừng góp sức tìm tòi, nghiên cứu về tính hiện thực của Hùng Vương và thời đại các vua Hùng để lý giải được một cách xác đáng và thuyết phục lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là nền tảng cho lòng tự hào về một dân tộc có cội nguồn, có bản sắc riêng về văn hoá và có chủ quyền trong mối quan hệ với các cộng đồng- quốc gia gần cận. Nhờ những thành tựu của các giới khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là với các cuộc khai quật khảo cổ học, các phát hiện sưu tầm văn học dân gian... càng ngày tri thức về lịch sử quá trình hình thành dân tộc Việt Nam càng hoàn chỉnh và thuyết phục.
Từ những phát hiện dấu tích người vượn ở Thẩm Khuyên (Lạng Sơn), đến các di chỉ Núi Đọ (Thanh Hoá), đến Hang Gòn (Đồng Nai), Dầu Giây (Bình Phước), Tấn Mài (Quảng Ninh)... đã khẳng định sự có mặt của buổi bình minh xuất hiện loài người trên lãnh thổ nước ta hiện tại. Những phát hiện các nền văn hoá khảo cổ học đã khẳng định tính liên tục của sự hình thành cộng đồng cư dân sinh tồn ngay trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại qua các thời. Từ Văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn đến Văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun... đã phản ảnh những bước phát triển của trình độ tổ chức xã hội đủ cơ sở để vào thời điểm phát triển rực rỡ của Văn hoá Đông Sơn (sơ kỳ đồ sắt), nhà nuớc Văn Lang gắn liền với thời đại các Vua Hùng đã hình thành, khởi đầu cho sự ra đời của một dân tộc-quốc gia.
Cứ như bộ sách sử xưa nhất còn lại “Việt sử lược” chép thì vào thời đại tương đương với Trang Vương nhà Chu (Trung Quốc, 696-681 trước CN), xuất hiện người xưng “là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, lấy hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu... truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”. Khảo cổ học còn tiếp tục phát hiện ra những Văn hoá Sa Huỳnh, Óc Eo... ở phương Nam để hoàn chỉnh từng bước tri thức về tính bản địa và tính liên tục của tiến trình hình thành dân tộc trên toàn bộ lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại, cho dù trong thời gian đầu, lịch sử liên quan đến các Vua Hùng chủ yếu chỉ gắn với cộng đồng người Việt cổ và những hậu duệ sau này.
Trải suốt thời Lê qua thời Tây Sơn ngắn ngủi, rồi thời Nguyễn đầy thách thức bởi hoạ xâm lược của thực dân phương Tây, tâm thức về các Vua Hùng cùng niềm tự hào về một quốc gia văn hiến tự cường vẫn được các triều đại và nhân dân gìn giữ như một nguồn lực tinh thần to lớn. Triều đình ban sắc phong và nhân dân, đặc biệt ở các làng xã tôn làm thành hoàng các nhân vật trong hệ thống các truyền thuyết liên quan đến thời các vua Hùng dựng nước. Cho đến nay, thống kế cho thấy cả nước đã có tới 1.417 địa điểm có tục thờ cúng Hùng Vương hoặc các nhân vật có liên quan, trong đó tập trung ở Phú Thọ (326), Hà Tây cũ (364), Hà Nội cũ (161), Bắc Ninh (168), Vĩnh Phúc (62), Thành phố Hồ Chí Minh (14).
Những truyền thuyết dân gian nhằm củng cố nhận thức về nguồn gốc dân tộc (cha Rồng mẹ Tiên), truyền thống chống ngoại xâm (Thánh Gióng) truyền thống lao động, đấu tranh với thiên nhiên (Mai An Tiêm, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Bánh chưng - Bánh giày...) đã tạo dựng trong tiềm thức mọi người dân Việt Nam về một thời đại các Vua Hùng dựng nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Giỗ Tổ Hùng Vuơng
tại quảng trường Việt Nam học xá ngày 11/4/1946
|
“Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Vào thời điểm khẩn trương cho công cuộc vận động giải phóng cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nhắc nhở một nguyên lý quan trọng để tìm thấy sức mạnh của toàn dân cho một bước ngoặc lịch sử sắp đến: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Vào đêm hôm trước của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, các tổ chức yêu nước và cách mạng trong giới thanh niên và sinh viên Hà Nội đã tập hơp lực lượng bằng một cuộc hành lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Khu Việt Nam học xá (nay là khu Đại học Bách khoa Hà Nội).
Cách mạng Tháng Tám mới thành công, vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập đã yêu cầu Bộ Tuyên truyền ra thông tri cho cả nước tổ chức Giỗ đức Thánh Trần Hưng Đạo đại vương; Giỗ trận Đống Đa lần đầu tiên được công khai gắn với Chiến thắng của Hoàng đế Quang Trung, cũng như kỷ niệm các danh nhân có công giữ nước như Hoàng Diệu, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học...
Và ngày 11/4/1946, nhân dịp Giỗ Tổ đầu tiên, sau ngày nước Việt Nam độc lập các nghi thức truyền thống vẫn được duy trì và tổ chức trọng thể ngay tại Thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã đến dự cùng với đông đảo các tầng lớp nhân dân mà hạt nhân là học sinh, sinh viên tại quảng trường khu Việt Nam học xá.
Cùng lúc đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu một đoàn đại biểu của Chính phủ đã thân lên Đền Hùng (Phú Thọ) dự lễ dâng lên ban thờ tổ tiên tấm bản đồ non sông gấm vóc Việt Nam giờ đây đã trở thành một quốc gia thống nhất và tự chủ cùng một thanh kiếm để thể hiện ý chí của toàn dân quyết giữ vững nền độc lập non trẻ của Tổ quốc.
Chính vào thời diểm lịch sử đầy thử thách này, lòng tự hào về truyền thống lịch sử đã trở thành một nguồn lực tinh thần mạnh mẽ cho cả dân tộc bước vào sự nghiệp giữ nước. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn, Nam Bộ đã viết: “... Vào bất kỳ lúc nào, hễ giặc mạnh xâm phạm biên cương của Tổ quốc thì người chiến đấu bảo vệ non sông đều nhất luật huy động lịch sử nhiều nghìn năm của dân tộc để diệt xâm lăng, trong mục đích thiêng liêng đó, các cụ nhiều lần đề cao “gươm núi Sóc”, “cọc Bạch Đằng”. Và mỗi lần như vậy, sự huy động lực lượng lịch sử truyền thống đều mang lại hiệu quả tích cực... Ở Sài Gòn, ở Nam Bộ, phải làm sao cho Việt Minh lớn mạnh hơn tất cả các lực lượng đối phương cộng lại, thì mới có thể nắm kịp thời cơ giành chính quyền, làm cách mạng, giải phóng dân tộc thành công. Khi ấy, các đồng chí phát ra nhiều kế hoạch cụ thể mà toàn bộ tư tưởng được gọi một cách “linh ứng” là “Rước ông Gióng vào Nam”.
Thực tiễn của công cuộc vận động cách mạng nói chung, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói riêng đã đúc kết thành một tư tưởng lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong lời căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong ngay bên thềm Đền Hùng, trước khi vào tiếp quản Hà Nội (10/1954): “Các Vua Hùng có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tư tưởng đó cũng là sự tiếp nối một phương thức huy động nguồn lực quá khứ để phấn đấu cho một mục tiêu chính nghĩa, đặc biệt là trong sự nghiệp giữ nước. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” khi viết về Hai Bà Trưng cũng coi việc Hai Bà “phất cờ nương tử thay quyền tướng công” không chỉ để “trả thù nhà, đền nợ nước” mà còn là thực hiện sứ mạng cao cả “kế nghiệp Vua Hùng”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thực hiện mục tiêu thiêng liêng là thống nhất nước nhà, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cổ vũ bằng một tinh thần “bốn ngàn năm lịch sử đang cùng ta đánh Mỹ”. Cũng chính trong những năm tháng kháng chiến gian khổ và thiếu thốn này, công cuộc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương được tiến hành một cách sôi nổi và đạt được những thành tựu to lớn. Dưới tầm bom đạn của giặc Mỹ, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành, nhiều cuộc hội nghị khoa học toàn quốc họp và khái niệm về một “Thời đại các Vua Hùng dựng nước” cũng được khẳng định vào chính giai đoạn lịch sử này.
Và cũng với sức mạnh của truyền thống ấy, sau khi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam còn tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc. Giữ nước là một nghĩa vụ thiêng liêng của muôn đời để gìn giữ trọn vẹn cơ nghiệp của tổ tiên để lại.
Kế nghiệp người xưa
Kể từ năm Canh Thìn (2000), năm đầu tiên của thế kỷ XXI, của một thiên niên kỷ mới, vào thời điểm công cuộc Đổi mới đã trải qua một thập kỷ thử thách và đạt được những thành tựu đáng khích lệ, vào trước thềm của Đại hội Đảng lần thứ IX, lần đầu tiên Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể theo nghi thức của Nhà nước (với nghị định số 82, ngày 6/11/2001, Chính phủ quy định Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc).
Trước bàn thờ của tổ tiên trên Đền Hùng, Chủ tịch Quốc hội Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nông Đức Mạnh đã thay mặt Đảng và Nhà nước nêu rõ quan điểm của thời đại chúng ta đối với Ngày Giỗ Tổ truyền thống:
“Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người Việt Nam chúng ta...
Chúng ta tưởng nhớ các Vua Hùng và tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ nối tiếp đã có công dựng nước, giữ nước và mong ước cho trí tuệ, công sức của chúng ta được phụng sự vì mục đích hoà bình và hạnh phúc của nhân dân... ”
Gần trọn một giáp (12 năm) đã qua, cùng với công cuộc Đổi mới chung của đất nước và của vùng Đất Tổ Phú Thọ, cùng với nhu cầu nâng cao tinh thần yêu nước, “cùng nhau giữ lấy nước”, tầm vóc của quốc lễ Giỗ Tổ ngày một phát triển. Nhà nước đã liệt không gian di tích và lễ hội Hùng Vương vào tầm cấp di tích lịch sử đặc biệt quốc gia.
Cùng với quy hoạch chung, nhiều hạng mục công trình đã được đầu tư cải thiện một cách căn bản diện mạo của khu di tích. Sức hút tâm linh của khu di tích và các hoạt động của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng lớn, thu hút hàng triệu người hành hương tham dự, cộng với các hình thức xã hội hoá đã tạo ra những nguồn lực và nhiều công trình có ý nghĩa trên vùng Đất Tổ. Một quỹ hỗ trợ Đền Hùng được thành lập với sự phối hợp với lãnh đạo tỉnh đã bước đầu hoạt động... Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp thu cơ sở thờ phụng Vua Hùng có từ chế độ cũ, một không gian lễ hội hoành tráng đã được xây dựng làm nơi thờ vọng tổ tiên cho mọi con dân nước Việt Nam từ phương Nam của đất nước.
Nhìn lại lịch sử, lễ hội liên quan đến các Vua Hùng từ những tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của một không gian giới hạn mang nặng tính dân gian đã được các triều đại phong kiến nâng lên thành Giỗ Tổ. Vào đầu thế kỷ XX việc những vị quan địa phương ngay trong bối cảnh đất nước còn là thuộc địa của thực dân Pháp đã tạo được cơ sở pháp lý cho việc công nhận một lễ hội dân gian mang ý nghĩa nâng cao tinh thần dân tộc là một điều đáng ghi nhận.
Nhưng chỉ có thực tiễn của công cuộc giải phóng dân tộc mà hạt nhân là mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hướng tới cuộc đấu tranh xác lập nền độc lập quốc gia diễn ra trong suốt thế kỷ XX và đặc biệt là từ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Giỗ Tổ Hùng Vương mới thực sự mang tầm vóc như một quốc lễ. Nó đã trở thành chất gắn kết tinh thần của một quốc gia đa dân tộc và tôn giáo. Đó cũng là quá trình kết tinh một di sản phi vật thể có giá trị hàng đầu của nền văn hoá dân tộc Việt Nam mà chúng ta đang hướng tới một sự công nhận như một di sản nhân loại mà cốt lõi tinh thần của di sản ấy chính là điều mà ông cha ta đã gửi gắm qua đôi câu đối khắc ghi tại Đền Hùng:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà non nước vẫn quy về Đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ Ông”
Dương Trung Quốc
Theo Quehuongonline