Bức tranh sơn mài về phố cổ của người dân Hạ Thái
|
Tương truyền, nghề sơn ở Hạ Thái có từ thế kỷ XVII, khởi đầu mới chỉ là sơn son thiếp vàng. Tới đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, cụ Đinh Văn Thành - giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945) quê Hạ Thái đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng. Từ đó, làng nghề Hạ Thái không chỉ làm sơn son thếp vàng mà còn phát triển sản xuất tranh sơn mài, đồ dùng, vật dụng trang trí thiết thực với đời sống.
Sơn mài - chất liệu độc đáo của nghệ thuật Việt Nam được làng nghề Hạ Thái tiếp thu, phát triển. họ tạo dựng hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm. Việc đưa thêm các màu khác bằng vỏ trứng, ốc, cật tre, vỏ trai... sơn mài cơ bản của sơn cổ truyền giúp làm cho khả năng diễn tả của tranh tăng lên rất nhiều.
Vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam được tái hiện sinh động, hấp dẫn mà vẫn đọng lại một nét duyên dáng đằm thắm của làng quê Việt với ao quê, tre làng, trăng thanh, con đò dọc, tà áo dài thướt tha trong gió, lá sen xanh với búp hồng, lá sen tàn sắc nâu đất đẹp khó quên.
Nhiều năm qua, đồ sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Sơn mài Hạ Thái khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng, mỗi sản phẩm sơn mài đều bóng, mịn, có độ bền cao, ghi nhận dấu ấn tài hoa của người thợ.
Sự ổn định của làng nghề cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã góp phần thu hút khách du lịch tới tham quan làng nghề.
Trịnh Bộ (LVO)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/lang-nghe-son-mai-noi-tieng-dat-ha-thanh-20160706154254602.htm