Canh bon, một món ăn đậm bản sắc của người Thái (Ảnh: vnexpress)
|
Mặc dù món canh bon được làm từ những nguyên vật liệu trong vườn, nhưng người nấu phải kỳ công nhặt hái.
Cây bon như cách gọi của người Thái, nguyên liệu chính để nấu canh, có nơi gọi là cây khoai nước. Bon ngọt, loại bon có chấm tím ở lá, được bà con chọn cây non mang về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm nước cho hết nhựa (có thể dùng cả rễ non của bon để nấu).
Nấu bon, không thể thiếu mắc khén (một loại tiêu rừng). Nồi canh bon không được thiếu da trâu hoặc da bò. Bà con thường tích luỹ thực phẩm để khô trên gác bếp. Da trâu, bò được bà con treo gác bếp cho khô, khi cần dùng đến thì đem đốt cho chín phồng, cạo sạch phần cháy tới khi miếng da lộ phần vàng óng, mang ngâm nước, sau đó đem nấu nhừ.
Trước khi đặt nồi nấu canh bon, bà con chuẩn bị sẵn củi. Bà con thường cho củi mới vào, nếu củi cháy hết thì không được thêm củi.
Bà Lường Thị Quân, ở bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, giải thích bí ẩn này: “Thứ nhất là kiêng không được thêm củi, thứ hai là không được đổi củi. Nếu đổi củi và thêm củi, bà con quan niệm là canh bon sẽ ngứa, sẽ không ăn được”.
Khi da trâu, da bò được nấu nhừ, bà con cho bon đã tước sẵn vào nồi nấu khoảng 15 phút, sau đó thả các loại rau thơm, cà đắng, mắc khén vào nồi. Khi rau chín, không được quên hoà một chút bột gạo nếp để nồi canh sánh hơn. Bà Lường Thị Quân bảo: “Muốn cho canh bon ngon thì phải cho các gia vị vào, như ớt, mắc khén, tỏi, rau thơm, mùi tàu, lá lốt, rau ngót”.
Trước đây, khi khách đến thăm nhà, người Thái không mời ăn canh bon vì cây này nấu không khéo sẽ bị ngứa. Và cũng vì bà con sợ lời qua tiếng lại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa khách và chủ. Có lẽ cũng vì vậy, theo phong tục của đồng bào Thái, ngày cúng cơm tổ tiên thì không nấu canh bon.
Nhưng bây giờ, canh bon đã có mặt trong mâm cơm hằng ngày, mâm cơm đón khách của bà con. Từ món ăn dân dã trong các gia đình, canh bon được các nhà hàng dân tộc ở Tây Bắc chọn làm một trong những món canh chủ đạo để giới thiệu tới du khách.
Lường Hạnh (VOV-Tây Bắc)