Màn biểu diễn săn thú tại lễ hội mở cửa rừng (Ảnh: Internet)
|
Lễ hội Tì Sằn - đooc moong hay còn gọi là lễ hội Đi săn - Mở cửa rừng của người Mường huyện Yên Lập thường được tổ chức vào ngày mồng 6 hoặc mồng 7 Tết; một số nơi khác tổ chức vào 15 tháng Giêng âm lịch để bắt đầu một mùa mới vào rừng hái lượm và săn bắt thú.
Theo tích xưa ghi lại, trong lễ hội này, một người săn giỏi (trùm săn) của mường cùng các cụ già có kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát làm ăn và chọn điểm săn. Mọi người tỏa ra vây quanh, những thợ săn giỏi tìm chỗ đón lõng ở các khe, các lối mòn thú hay đi, những người khác khép kín dần vòng vây. Những chú chó săn của mường theo hiệu lệnh của cồng săn vượt lên sục sạo các bụi rậm đánh hơi thú. Thú rừng bị vòng vây khép kín dồn dần vào một nơi. Trước là bị chó tấn công, sau là người ùa đến dùng gậy nhọn, cây lao chặn đánh. Cuộc săn chấm dứt bằng hiệu lệnh cồng.
Lễ hội Mở cửa rừng luôn thu hút nhiều người tham gia vì đây là dịp vừa để gặp gỡ, giao lưu vui vẻ vừa để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện ước nguyện, khát vọng về cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất, tinh thần cũng như sự tuần hoàn của quy luật để vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Tại lễ hội nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng, trình diễn các tiết mục diễn xướng dân gian được tổ chức như: Múa trống đu, hò đu, múa sênh tiền, đâm đuống của dân tộc Mường, giao hữu bóng chuyền, đi cầu kiều, chọi bi, đánh cờ tướng. Ngoài ra còn có các gian hàng bày bán các mặt hàng đặc sản, nông sản của địa phương như nếp gà gáy, nếp nương, mật ong, khoai, sắn, măng…
Mở cửa rừng là lễ hội truyền thống của người Mường huyện Yên Lập, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Đây là một hình thái sinh hoạt đặc biệt với tổng hòa văn hóa và nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo. Nó có vai trò quan trọng trong tích lũy, kế thừa và củng cố các giá trị về tính cố kết cộng đồng. Trong đó, hội đi săn thú là quan trọng nhất và mang tính cộng đồng rõ nét nhất, có ý nghĩa mở đầu cho một mùa làm ăn, lao động gặp nhiều may mắn, đem lại những kết quả tốt đẹp.
Đây cũng là nơi gặp gỡ, vui chơi, giải trí nên nó có ý nghĩa tinh thần to lớn với người Mường nói chung và người Mường xã Minh Hòa nói riêng... Hi vọng lễ hội này sẽ được tổ chức thường xuyên hàng năm để thế hệ trẻ sau này có cơ hội tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn về lễ hội và truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
(Theo Dantocviet.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/le-hoi-mo-cua-rung-cua-nguoi-muong-yen-lap-phu-tho-20160421093648091.htm