Tô cháo bắp ngũ vị với màu sắc hài hòa và mùi thơm thật quyến rũ
|
Người dân miền Tây quê tôi thường có tập quán thích trồng bắp nếp vì chất lượng bắp ngon, ngọt (hạt trắng sữa, mềm dẻo, thơm đặc trưng), dùng để luộc hay chế biến các món ăn hơn là trồng loại bắp lai (hạt to, cứng) làm thức ăn gia súc.
Bắp tuy là loại trái bình dị, dân dã, nhưng chế biến món ăn nào cũng ngon như: Bắp bao tử ngâm giấm, hay xào tôm thịt; bắp luộc, nướng, nấu canh, nấu chè, thổi xôi... Tôi còn nhớ ngày nhỏ, mỗi buổi chiều hè nóng nực đi làm về cảm thấy ngán cơm, má thường hay chế biến món cháo bắp ngũ vị cho chúng tôi thưởng thức.
Theo má, làm món này hơi nhọc công một chút không dễ dãi được. Và điểm nhấn của món ăn này là phần nước dùng phải thơm ngon, ngọt, vừa khẩu vị. Đây là nghệ thuật và “bí quyết” riêng của người đầu bếp. Để chế biến món ăn này, má chuẩn bị đi chợ sớm mua thêm những nguyên liệu không có sẵn nơi nhà như: tôm sú, của cải đỏ, hành lá, củ hành tây (hoặc củ hành tím), nấm rơm búp, nếp, xương gà (hoặc xương heo) về chế biến.
Trước hết, má chọn những trái bắp nếp vừa ăn, lột vỏ và dùng dao bào xát từng miếng mỏng để ra dĩa (nhớ chừa phần cùi lại để nấu nước dùng). Củ cải đỏ gọt vỏ rửa sạch, xắt thành hạt lựu để ra tô. Nấm rơm búp rửa sạch, xắt miếng mỏng, chần với nước sôi, vớt ra để ráo. Củ hành tây gọt vỏ, chẻ đôi (cho vào nước dùng cho thơm). Tôm sú, lột vỏ rửa sạch xắt khúc (làm 3, làm 4 tùy ý).
Kế đến, má cho gạo, nếp vào nồi vo sạch chắt nước ra để ráo (tỉ lệ 1/1), rồi cho bắp đã sơ chế vào chung (tỉ lệ gấp 3 so với gạo, nếp) cùng với nước lã nấu cho hỗn hợp chín nhừ, để sẵn. Đến khâu định đoạt chất lượng nồi cháo, đó là món nước dùng, má cho xương gà, cùi bắp, củ hành tây vào nồi cùng với nước lã theo một tỉ lệ vừa phải nấu với ngọn lửa liu riu (khoảng 30 phút).
Chắt lấy nước (bỏ xác), nêm nếm gia vị (muối, đường, bột ngọt, bột nêm) cho vừa ăn, rồi cho củ cải đỏ, nấm rơm, tôm sú (đã sơ chế) vào nấu chín. Cuối cùng, nhắc nồi xuống đổ từ từ nước dùng vào nồi cháo, dùng vá đảo đều các hỗn hợp nêu trên cho có độ sệt vừa phải (tránh quá loãng mất ngon!), thêm một ít hành lá, một ít ngò rí, một ít tiêu xay, nhắc xuống, múc ra tô, dọn lên bàn kèm với dĩa rau má nữa là “đủ bộ”!...
Dùng muỗng múc miếng cháo nóng, cho thêm một nhúm rau má vào chén, ai nấy đều say sưa “húp” và mồ hôi ướt đẫm nơi lưng áo. Vị ngọt, béo, thơm của cháo, của tôm; dai dai của nấm, giòn giòn của củ cải đỏ,... khiến mọi người say sưa ăn quên no món cháo bắp ngũ vị độc đáo do chính bàn tay tài hoa, khéo léo của má.
(Nguồn: Danviet)