Thần Lúa (Mó-pêê) được người Ca Dong hết lòng tôn kính, lễ tạ Mó-pêê không chỉ đơn thuần là kết thúc một vụ lúa bội thu, cầu một vụ mới đầy hứa hẹn mà còn có ý nghĩa tâm linh tạo cuộc sống no đủ, đầm ấm...
Từ thuở mở đất định cư, cuộc sống của đồng bào Ca Dong đã gắn bó chặt chẽ với một thửa rẫy. Những người con của buôn ở xa, mỗi độ hè sắp qua, thu dần tới, khi lúa đã thu hoạch xong, phơi khô, quạt sạch, lại háo hức mong được trở về dự lễ hội tạ Thần Lúa của quê mình.
Cả buôn cùng vui vầy bên ché rượu cần trong lễ tạ Thần Lúa
|
Thần Lúa (Mó-pêê) được người Ca Dong hết lòng tôn kính, lễ tạ Mó-pêê không chỉ đơn thuần là kết thúc một vụ lúa bội thu, cầu một vụ mới đầy hứa hẹn mà còn có ý nghĩa tâm linh tạo cuộc sống no đủ, đầm ấm, hạnh phúc cho buôn làng.
"Theo tục lệ tổ tiên người Ca Dong ta ước định, nhà nào trong buôn thu hoạch được từ 100 teo (gùi) lúa trở lên (tương đương khoảng 1 tấn lúa) thì mới đủ tiêu chuẩn làm lễ tạ Mó-pêê, những nhà khác phải đóng góp để tổ chức chung với toàn buôn. Hội đồng già làng quyết định thời gian lễ diễn ra, đồng thời phân công người điều hành" - già A Túc ở buôn Nhôi, Phước Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam) cho biết.
Dưới sự chỉ đạo của trưởng buôn, công việc chuẩn bị cho lễ tạ Mó-pêê bắt đầu trước đó cả nửa tháng. Trong khi các gia đình chủ động ủ những ché rượu thật ngon, cùng đóng góp tiền mua trâu, lợn, gà, cá, thịt khô... thì thanh niên trai tráng được phân công vào rừng lấy lồ ô, nứa, lá thiên niên kiện để trang trí và làm cây nêu, cây huê (cột đâm trâu tế).
Phụ nữ đảm nhiệm việc hái lá đót và giã gạo từ lúa pa-dâm (thứ lúa do người đàn ông chủ mỗi gia đình trồng riêng một khóm lớn ngay từ đầu mùa rẫy, được những người vợ chăm sóc rồi tự tay tuốt về phơi khô và góp lại) để gói bánh thiêng dâng lên Mó-pêê, Kará-Tơní (Thần Đất), Kará-Mắthy (Thần Mặt trời), Kará-Mó huýt (Thần Nước), Pló-Xơi (tổ tiên)...
Sớm tinh mơ ngày tốt đã định, khi mặt trời mới hé ở chân núi, bà con tề tựu đông đủ trên sân chung giữa buôn, những người giúp việc cho chủ tế sẽ dọn lễ ra hương án, gồm: Rượu cần, bánh thiêng, cơm nướng trong ống lồ ô, cơm mới đơm trong các bát, thịt chuột khô, thịt sóc khô, cá nướng, gà luộc, lợn luộc, trầu cau...
Chủ tế là người già có uy nhất buôn trang phục chỉnh tề làm lễ cúng. Mọi người kính cẩn xếp hàng phía sau. Cúng xong, chủ tế ra lệnh cho các thanh niên tham gia lễ đâm trâu để lấy máu hiến tế thần linh. Các đồ lễ được chia đều cho dân làng cùng ăn, uống no say, trò chuyện, chúc tụng vui vẻ.
Một ngày đầu thu, nếu ngược ngàn lên thăm buôn Ca Dong, từ xa đã nghe tiếng hát lời ca dìu dặt hòa cùng nhịp cồng chiêng rộn ràng thì tức là bà con đang vui vầy trong lễ tạ Thần Lúa...
Vĩnh Minh (theo Dân Việt)