Ngôi nhà sàn - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái (Ảnh: Internet)
|
Nhà sàn nguyên bản của người Thái ở Nghệ An ngày xưa chỉ có 2 - 3 gian, cột chôn. Gian để bàn thờ phía ngoài là nơi cấm kị đàn bà con gái ngủ nghỉ hay ngồi ăn cơm. Gian trong vừa để sinh hoạt cũng là gian bếp, về sau nhà có điều kiện thường dựng nhà kê táng (cột nhà được dựng trên các trụ đá). Dưới gần sàn người ta nuôi gà vịt, gia súc, đặt cối giã gạo... Tùy điều kiện của từng gia đình, ngôi nhà sàn cũng dài, ngắn khác nhau, nhưng gian ngoài cùng phía cầu thang vẫn để bàn thờ và gian trong cùng thường đặt chiếc bếp hình vuông làm nơi nấu nướng.
Ngày nay, cấu trúc nhà sàn của người Thái thường làm 3 hoặc 5 gian. Gian ngoài để tiếp khách, ăn cơm, uống rượu cần. Nếu khách ở xa nghỉ lại, thì chủ nhà sắp xếp gối, chăn, nệm, màn ở gian ngoài. Nệm và gối được làm bằng bông lau và chất vải thổ cẩm do bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái dệt nên.
Nhà sàn được làm bằng gỗ các loại như: săng lẻ, lim, chò chỉ… mái lợp có thể bằng gỗ, lá cọ, ngói hoặc tôn... tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà định liệu cách làm nhà 3 hay 5 gian, lợp tranh hay ngói, gỗ xẻ hay gỗ tròn.
Để có được ngôi nhà sàn đòi hỏi sự góp công sức của cả cộng đồng. Những ngôi nhà bề thế càng cần sự giúp sức của nhiều người. Trong kế hoạch dựng nhà sàn, trước hết phải họp bàn với anh em họ tộc, sau đó người đàn ông trụ cột trong gia đình lên rừng chọn gỗ dựng nhà. Việc khó khăn đầu tiên là lựa gỗ làm cột, rồi đến các bộ phận khác của ngôi nhà.
Trong công đoạn dựng nhà, người ta phải dùng đến 2 chiếc tời và hàng chục, thậm chí hàng trăm người kéo mới có thể dựng xong một vì nhà. Sau đó là việc lắp những bộ phận khác như kèo, xà thượng ốc đều là những thanh gỗ rất nặng nề, lại lắp đặt trên cao đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm của người thợ làm nhà. Đến khi lợp nhà lại cần một lượng nhân lực rất lớn để vận chuyển vật liệu.
Sau khi hoàn thành việc dựng nhà, người Thái thường tổ chức lễ mừng nhà mới. Ngoài gia chủ còn có những người đã góp phần làm nên căn nhà, vì thế, những cuộc mừng nhà mới thường kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Nhà sàn của người Thái không chỉ là một không gian sinh hoạt, nó là kỳ công của cả cộng đồng, ở đó tình đoàn kết của cộng đồng làng bản được thể hiện rõ nét nhất. Có thể nói, ngôi nhà sàn là mối dây làm nên những buôn, những bản mường, còn là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.
(Theo Cinet)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nha-san-cong-trinh-doan-ket-cua-cong-dong-dan-toc-thai-20160316160317051.htm