Trò chơi đánh quay
|
Nếu ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ hay trung du, chơi quay là trò chơi chỉ dành cho con trẻ thì ở vùng cao Tây Bắc, tại các bản người H’mông vắt vẻo trên núi cao, Tết đến xuân về, từ già trẻ, lớn bé đều tập trung ở một bãi đất bằng phẳng hay sân nhà để chơi đánh quay.
Để có được những con quay to và tốt, trước Tết khoảng một tháng, người H’mông lặn lội lên núi tìm những khúc gỗ chắc khỏe về đẽo quay. Mỗi người có một sở thích về một loại gỗ dùng để đẽo quay. Vì vậy, mỗi con quay của người H’mông lại được làm bằng một chất liệu gỗ khác nhau. Sau khi quay được đẽo xong, người H’mông mang xuống ao hay ruộng bùn ngâm khoảng một tuần cho quay được bền chắc hơn.
Từ ngày mùng một Tết trở đi, đồng bào tụ tập để đánh quay. Trò chơi này chủ yếu dành cho nam giới nhưng đôi khi cũng có phụ nữ cao hứng xin được tham gia. Người tham gia chơi quay phải có sức khỏe, khéo léo và tinh nhanh để điều khiển con quay của mình được quay đều đặn.
Ở các bản H’Mông, đồng bào chọn một bãi đất phẳng ở giữa bản, đất nhẵn, xung quanh có ta luy để tránh việc khi đánh quay, con quay bị vung xa sẽ rơi xuống dốc núi.
Các “xới” chơi quay đứng thành từng vòng tròn, to hay nhỏ tùy vào số lượng người tham gia. Lúc đầu là chơi thử sau đó là các cuộc thi đánh quay. Cuộc thi đánh quay của người H’mông khá độc đáo.
Một con quay thắng cuộc phải là quay được bổ xuống theo hình vòng cung tính từ tay người đánh, quay đó phải quay tít, quay lâu và khi quay phát ra tiếng kêu gần như chói tai. Quay của ai bị chết trước sẽ để ở giữa vòng tròn để cho các con quay khác bổ vào. Nếu bổ trúng con quay chết mà con quay của mình vẫn quay tít là sẽ được vào vòng tiếp theo.
Trò chơi đánh quay diễn ra vào các ngày Tết và có khi kéo dài cả buổi. Người chơi đánh quay thì say sưa và dồn hết sức khéo léo vào những lần đánh quay. Ai ai cũng mong cho con quay của mình quay được lâu hơn, tít hơn các con quay khác. Còn người xem đứng vòng quanh thì chăm chú theo dõi kèm theo những lời cổ vũ nồng nhiệt.
Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào H’mông vùng Tây Bắc mỗi khi Tết đến Xuân về. Mong cho con quay của mình được quay lâu, quay tít cũng là sự thể hiện một quan niệm nhân sinh của đồng bào H’mông ở vùng cao Tây Bắc. Đó là mong ước có được sức khỏe, sự dẻo dai để chinh phục được thiên nhiên, duy trì cuộc sống trên những đỉnh non cao vời vợi. Hội chơi quay của đồng bào H’mông ngày Tết cũng thể hiện sự đoàn kết, kiên trì và rèn cho bàn tay khéo léo hơn.
Nguyễn Thế Lượng (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/vui-hoi-danh-quay-20160314104046553.htm