“Đào tiên” xứ Huế
|
Huế nổi tiếng với miền ẩm thực kết hợp hài hòa, độc đáo giữa sự dân dã, mộc mạc, chân phương với nét cung đình trang nhã nhưng không mất đi nét cầu kỳ, sang trọng. Do đó, nhiều món ăn xưa cũng như nay ở miền đất cố đô đã thể hiện hết những nét tinh túy của đất trời cũng như của hồn người nơi đây. Theo dòng thời gian, vòng tạo hóa xoay vần, nhiều món ăn vẫn còn tồn tại, theo chân những người con đất Huế đi khắp mọi miền của đất nước, nhưng cũng không ít món ăn đã thất truyền, ít còn thấy xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người con nặng lòng với nền văn hóa ẩm thực của dân tộc, đã tìm tòi, lần về dấu xưa để phục đựng những nét độc đáo của món ăn đã từng nổi tiếng khắp vùng đất của những ông hoàng, bà chúa một thời.
Món ăn độc đáo bí truyền
Bánh đào tiên được tạo hình theo hình trái mận. Đào tiên là theo cách gọi của người Huế, ở miền Bắc đào tiên được gọi là quả roi, miền Nam gọi là trái mận, loại quả này biểu trưng cho tuổi thọ vĩnh hằng, cho tình yêu thủy chung son sắt, cho sự ấm áp tình người. Bởi thế mà loại bánh này thường được dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà mỗi độ xuân về, lễ tết, giỗ chạp, hội hè, đình đám; được hiếu kính mừng tuổi cha mẹ; được làm quà cưới hỏi, sính lễ, sinh nhật, tặng người thân, bạn bè…
Về Huế, lần theo dấu chân người xưa, bánh đào tiên là món ăn độc đáo bí truyền, chỉ “sở hữu” riêng của dòng tộc họ Hoàng. Bánh được sáng tạo bởi bà Bích Hồ Hoàng Phủ Dực tức Diệu Ngọc Nguyễn Thị Thanh (1908 - 1989) - cô giáo của Nữ công Học hội, một tổ chức phụ nữ Việt Nam đầu tiên được thành lập năm 1927 tại Huế do bà Đạm Phương làm Hội trưởng. Bánh đào tiên thời đó là một trong những đặc sản được tiến cung dâng lên cho vua chúa và cũng là phần thưởng được vua, hoàng hậu… ban cho các vị quan lại, đại thần.
Nguồn cảm hứng từ đào tiên
Lấy nguồn cảm hứng từ những quả đào tiên chín mọng (ta thường liên tưởng đến những quả đào tiên trong bộ phim nổi tiếng “Tây Du Ký”, nguyên tác của Ngô Thừa Ân hay quả đào tiên được treo trên cây gậy của ông Tiên), bánh đào tiên được bàn tay khéo léo của người xưa nặn hình bằng đậu xanh nguyên chất, nho khô, đông sương (rau câu) và va ni.
Nguyên liệu chính phải được chọn thật kỹ, đậu xanh nhìn phải vàng tươi, mới được thu hoạch từ những mảnh đất màu mỡ. Đậu xanh nấu chín, thêm đường sau đó cho vào quết đều tay cho thật nhuyễn và thật mịn. Tỉ lệ pha chế giữa đậu xanh và đường đồng đều nhau, cứ 1kg đậu xanh thì 1kg đường. Sau khi đậu và đường được quết nhuyễn, ta bắt đầu chia nhỏ nguyên liệu để nặn thành bánh. Nhân bánh được làm bằng nho khô.
Người làm bánh phải có một đôi tay thật khéo léo để làm nên những chiếc bánh phải đẹp, nhìn như những quả đào thật. Bánh được nặn xong được xếp đều trên những chiếc mâm hoặc những chiếc nong lót giấy đem phơi cho khô. Ở đây, bánh đem phơi không phải đem ra ngoài nắng chói chang mà là chọn những nơi trong mát gần ánh nắng mặt trời để “hong” cho khô, mục đích để hạn chế bánh bớt bị nứt, bị bể. Bánh khô đem nhúng vào đông sương (rau câu) pha màu đỏ sẫm. Đông sương nấu thật đặc không cho thêm đường. Bánh đào tiên sau khi nhúng vào đông sương đem để nguội, chiếc bánh sau khi nguội nhìn bóng lưỡng, láng mịn, màu rất đẹp không khác nào quả đào thật.
Bánh hoàn thành, ta chọn những cành đào (mận) vừa tầm, xanh tươi, sau đó cắm bánh vào, khi cắm, chú ý sự hài hòa, cân đối giữa những chiếc bánh và cành cây. Cành đào gắn bánh được bày trên bàn thờ tổ tiên hay trên bàn trong phòng khách, phòng ăn bằng những chiếc bình cổ cao bắt mắt.
Ngoài ra, từ khuôn mẫu ban đầu, người làm bánh còn tạo nên những chiếc bánh với màu sắc và hương vị trái cây khác nhau như dâu tây… Những chiếc bánh này vỏ mỏng hơn ban đầu, màu sắc cũng đa dạng hơn. Sáng tạo từ chiếc bánh đào tiên, các bà, các mệ xứ Huế còn sáng tạo nên các loại bánh trái cây đặc sản khác như khế, mãng cầu, phật thủ… cũng làm từ bột đậu xanh làm nên sự đa dạng cho nền văn hóa ẩm thực của vùng đất cố đô.
Trong không gian ấm cúng của gia đình, người thân, bạn bè mỗi dịp xuân về, Tết đến, hội hè… bên cạnh các món ăn khác, ta cầm chiếc bánh đào tiên chầm chậm từng miếng thưởng thức rồi nhấp hớp trà cho thêm đậm đà, khi ấy tâm hồn thấy nhẹ nhõm, thanh nhàn đến lạ.
Như Bình (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dao-tien-xu-hue-20160314100019236.htm