07/03/2016
Tuy không phổ biến như múa rối nước, nhưng múa rối cạn vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt riêng có. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến múa rối cạn tại thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên và thôn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Đây là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày đã có từ hơn hai trăm năm trước và tồn tại cho đến ngày nay.
Con rối được làm từ gỗ thừng mực
Màn múa rối cạn của dân tộc Tày
Đồ nghề giản đơn nhưng nghệ nhân múa rối que làm hàng nghìn người mê mẩn
“Rối que” mộc mạc…
Múa rối cạn là một nét nghệ thuật độc đáo của văn hóa dân tộc Tày nói riêng và cộng đồng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Rối cạn thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng tồng (lễ xuống đồng), nhằm mục đích mua vui cho công chúng, cùng với đó là thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện về sự đỗ đạt vinh danh bảng vàng của người dân trong làng.
Nét độc đáo của nghệt thuật rối cạn xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ thừng mực, một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt. Các con rối chủ yếu mô phỏng hình ảnh vua quan, lão nông, muông thú. Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 2 đến 3 ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay (đây là công đoạn cần sự khéo léo, cầu kỳ và mất nhiều thời gian nhất), phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật.
Một bộ rối để biểu diễn thường có 13 con, trong đó có 2 con đầu đàn có kích thước lớn hơn cả và được làm bằng gỗ mít. Ngày nay, bằng sự say mê với trò chơi dân gian truyền thống, nhiều nghệ nhân ở Thẩm Rộc và Ru Nghệ đã sáng tạo thêm nhiều con rối mới theo phong cách riêng.
Múa rối cạn của người Tày còn được gọi là rối que vì phần lớn các con rối đều được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật, để tiện điều khiển và bảo quản. Gần đây, các nghệ nhân đã thay những thanh tre bằng sắt hoặc nhôm. Dụng cụ biểu diễn rối que rất đơn giản, gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối khoảng 13 con, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo. Tất cả hòa quyện tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem.
… Và mang giá trị nhân văn sâu sắc
Một buổi biểu diễn rối Tày truyền thống gồm 8 trò, tiêu biểu như rối mệ, rối táp, rối bồi, rối tắc kè..., kéo dài nửa buổi, theo trình tự “tiền ổi hậu ca”. Mở màn buổi biểu diễn, hai người sẽ ra trước buồng trò “ổi” nhằm giới thiệu về phường rối và ổn định trật tự, sau đó sẽ là các trò biểu diễn với những người điều khiển rối trong buồng trò, những người chơi nhạc cụ trống, phách, thanh la... và người đọc lời giáo.
Trong khi nam giới đảm nhận vai trò điều khiển rối, thì phái nữ trong thôn sẽ cất cao giọng hát và đọc lời thoại cho nhân vật. Đôi khi có người phải thủ đến ba bốn vai một lúc. Lời giáo thường là các bài văn vần, có tính tương tác, đối thoại với người xem, dẫn dắt các động tác biểu diễn của rối và biểu đạt ước nguyện của con người.
Những khúc gỗ thô kệch, mộc mạc qua bàn tay đẽo gọt và điều khiển của những nghệ nhân đã trở nên linh hoạt và sống động lạ thường. Trong biểu diễn rối cạn, các con rối được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo nên một vở kịch độc đáo, thu hút người xem.
Tiết mục đặc trưng nhất của rối cạn Tày cũng là tiết mục khép màn trong các buổi biểu diễn của lễ hội xuống đồng, là trò người leo cây bắt tắc kè. Động tác của các nghệ nhân điều khiển con rối mô phỏng những động tác mạnh giữa con người và tắc kè như leo lên, tụt xuống, chạy, nhảy, cào, cấu, giằng xé rất sinh động, mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Tắc kè có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác. Tiết mục người leo cây bắt tắc kè với niềm tin là con người cũng có thể biết trước diễn biến của thời tiết, điều chỉnh sản xuất và cầu mong cho một vụ mùa bội thu.
Qua những câu chuyện được lưu truyền, bên cạnh giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc, rối Tày ở Định Hóa còn mang theo những quan niệm về tâm linh huyền bí. Trước mỗi lần mang rối đi diễn trò, trưởng phường rối phải làm lễ thắp hương thỉnh ông tổ phường rối, cũng như “Thần rối”. Bởi người dân nơi đây quan niệm, con rối như những vị thần, con ma... Cũng vì thế mà người trong phường rối khi mất đi thường có tục lệ đem con rối chôn theo.
Không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày, múa rối cạn còn mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc. Thông qua hình thức diễn xướng này, người biểu diễn cũng chuyển tải thông điệp yêu lao động, ca ngợi những người chăm lo lao động sản xuất, chê bai những kẻ lười biếng, khuyên người dân biết giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đoàn kết gắn bó trong lao động sản xuất và đời sống thường nhật, trân trọng nghề nhà nông, xây dựng nông thôn ngày một thịnh vượng, gia đình hạnh phúc, ấm no, xã hội phát triển.
Kim Ngân
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/moc-mac-doc-dao-mua-roi-can-dan-toc-tay-20160301101139837.htm
|