Có thể nhâm nhi tré như nem chua hoặc cuốn với bánh tráng và rau thơm, dưa leo,
chuối chát, chấm nước mắm ớt tỏi
|
Nem tré không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi của người Huế cũng như trầu cau vậỵ. Tré Huế thơm ngon cũng là ở nghệ thuật nêm gia vị và cách thực hiện khá công phu tỉ mỉ: da heo phải ram, thêm tỏi, riềng, mè, thính, muối, đường trộn bóp và gói chặt bằng lá ổi.
Tré là món ăn đặc sản ở miền Trung, độc đáo từ hình thức lẫn hương vị. Vào dịp tết, bên cạnh dưa kiệu, thịt kho, nem chả, mâm cỗ đầu năm của người gốc Bình Định, Đà Nẵng, Huế không thể thiếu món tré.
Theo lời của các cụ cao niên ở địa phương, tré là món ăn xuất hiện từ thời khởi nghĩa Tây Sơn, được nhồi vào cái ché bằng gốm, chôn dưới góc bếp để lên men ăn trong dịp tết. Sau khi vua Quang Trung lên ngôi, lập kinh đô ở Phú Xuân, quan lại Tây Sơn đã mang món ăn dân dã này về miền đất Kinh kỳ. Từ đó, món tré được nâng tầm trở thành món cung đình, cách thức chế biến cầu kỳ, tinh tế trong hương vị lẫn hình thức, không còn kiểu đựng trong ché mà thay bằng những lọn nhỏ. Có lẽ tên gọi món ăn được đọc trại từ “ché” thành “tré”.
Tré bây giờ đã trở thành món ăn gần gũi trong dân gian nhưng “cốt cách” quý phái vẫn thể hiện qua cách chế biến tỉ mỉ. Khác với những món ăn lên men thường làm từ nguyên liệu tươi sống, tré được làm từ thực phẩm đã nấu chín.
Về mặt khoa học, tré là món ăn lên men hoàn toàn vệ sinh và an toàn. Người ta phải chuẩn bị thịt đầu heo (tai, mũi, má), cạo lông, rửa sạch với muối hột để ráo rồi luộc chín, có người kỹ tính còn rửa lại với phèn chua hoặc chanh cho thịt trắng, vẫn giữ được độ giòn, khi ăn nghe sần sật “đã” miệng. Đem thịt cắt thành miếng thật mỏng để dễ thấm gia vị và khi gói thịt dễ kết dính. Tùy theo sở thích, ngoài thịt đầu có người còn dùng thêm da hoặc thịt ba chỉ, không phải luộc mà đem ram vàng.
Gia vị thì có nước mắm kho sệt, mè rang vàng, thính gạo rang giã nhuyễn, củ riềng cắt sợi, tỏi băm cùng với tiêu, bột ngọt, đường. Tất cả gia vị cho vào cái thau trộn chung với thịt, bóp kỹ cho thấm, rồi đem gói vào lá. Cái khéo léo chính là phải nêm sao cho vị thật đậm đà, để khi tré chua bị lạt bớt là vừa, nhưng cũng không quá mặn sẽ khiến tré lâu chua và vị không ngon. Gói tré cũng quan trọng không kém, nhất định phải có lá ổi. Lá ổi là lớp lá trong cùng, tiếp xúc với thịt, giúp thịt dậy mùi thơm rất riêng biệt, không thể thay thế bằng lá khác.
Gói tré phải nắm chặt tay, để khi mở lá ra lọn tré kết thành khối nhìn bắt mắt. Nghe thì khá đơn giản, nhưng nếu là “tay ngang” thì khó có thể ép mớ thịt rời rạc kết lại thành nắm trong mớ lá ổi cũng rời rạc không kém. Sau lớp lá ổi là lớp lá chuối, ngoài cùng bó tranh, buộc chặt bằng những sợi lạt mềm. Tré gói xong chừng ba-bốn ngày là có thể dùng được.
Ngày nay không mấy ai gói tré một cách tỉ mỉ như vậy, người ta cho thịt vào bọc nhựa gói cho dễ, không còn lá ổi nên mất hẳn hương thơm đặc trưng. “Tré hiện đại” chỉ còn lớp lá chuối được buộc bằng sợi dây thun, nhìn không còn đẹp như xưa. Đôi khi gói không kịp, người ta còn cho tré vào hũ nhựa, trông sạch gọn và giữ được lâu. Nhưng với người hoài cổ, tré trong hũ nhựa mất hẳn nét duyên dáng truyền thống.
Khi ăn, bóc vỏ tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt rồi bày ra đĩa. Có thể nhâm nhi tré như nem chua hoặc cuốn với bánh tráng và rau thơm, dưa leo, chuối chát, chấm nước mắm ớt tỏi.
Đặc biệt, ăn tré phải thêm ớt và tỏi tươi, mùi thơm của riềng và thính, vị nồng của tỏi, vị cay của ớt và vị béo của hạt mè, miếng thịt thấm đủ cung bậc trở nên thăng hoa hơn. Ngày xuân, nếm tré với chút rượu cay nồng là thú vui tao nhã không dễ gì có được.
(Nguồn: Phụnuonline)
Theo quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tre-mon-ngon-doc-dao-ngay-xuan-20160301095108402.htm