Bánh gừng có mặt trong tất cả các lễ hội lớn và quan trọng của người Chăm
|
Có mặt trong tất cả lễ hội quan trọng, bánh củ gừng không chỉ là món ăn, mà còn là một phần văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.
Trong những ngày lễ hội đó, bánh củ gừng được ghim vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ cùng với bánh tét, bánh gang tay. Đặc biệt nhất là vào dịp cưới hỏi, tết Katê, bánh củ gừng bao giờ cũng được đặt trên hết, là lễ vật quan trọng nhất.
Bánh củ gừng còn có cái tên khác là “bánh giận hờn”, xuất phát từ một truyền thuyết cảm động của người Chăm. Chuyện kể về một người phụ nữ tên Nai Chrao Cho Phò chờ đợi người chồng phương xa trong vô vọng. Khi ấy, nàng đã làm bánh gừng và mang lên tảng đá ngồi, vừa ăn vừa chờ cho tới khi hóa thành tảng đá.
Chính vì thế, chiếc bánh nhỏ nhắn còn tượng trưng cho nét đẹp tâm hồn và sự khéo léo của người phụ nữ Chăm. Hầu như người Chăm ai cũng biết làm bánh củ gừng, vì nó khá đơn giản và phổ biến.
Người ta trộn bột nếp cùng với trứng và gừng tươi giã nhỏ, thêm ít nước sôi vào để bột dẻo và dễ nặn hơn. Bánh được nặn theo hình củ gừng, vì vậy, tên bánh cũng được đặt dựa theo hình ảnh nôm na này.
Sau khi bánh có hình thù đẹp mắt, công đoạn tiếp theo là cho bánh vào chảo dầu nóng, chiên vàng đều rồi nhanh chóng nhúng bánh vào nước đường thắng với ít gừng. Cuối cùng, phơi bánh ở chỗ có gió nhẹ cho ráo. Cách làm này giúp bánh củ gừng giữ được lâu hơn sau khi chế biến.
Tuy cách làm bánh đơn giản nhưng người phụ nữ Chăm cũng cần có những bí quyết riêng để đảm bảo chất lượng bánh hoàn hảo. Trong đó, từng khâu đều phải lo chu đáo, cẩn trọng: gạo nếp thơm, hạt to, trắng đục và không bị gãy được ngâm và vo kỹ rồi đi xay và đăng bột cho ráo, hoặc cũng có thể xay gạo thành bột khô. Ngoài ra, dầu ăn dùng để rán bánh phải được khử bằng nửa chén tỏi giã nát để cho ra chiếc bánh củ gừng vàng óng, dậy hương thơm.
Món bánh này thật sự vượt ra khỏi ranh giới thực phẩm để trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận.
(Nguồn: Diadiemdulich)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/banh-cu-gung-trong-van-hoa-nguoi-cham-ninh-thuan-20160216161958108.htm