Xuân về trên Cột cờ Lũng Cú
|
Nếu thiên nhiên ban tặng vùng núi những sắc hoa tuyệt đẹp cho rừng núi, bản làng thì sắc phục truyền thống của các thiếu nữ càng làm cho nơi đây càng thêm tràn sức xuân.
Hồng thắm sắc đào
Hoa đào là vẻ đẹp quyến rũ của mùa xuân trên non cao. Đào rừng cây không lớn, nhánh gầy gộc, mảnh mai, dáng vẻ yểu điệu như cô thôn nữ thế mà có sức sống mạnh mẽ, không hề run rẩy trong mùa đông buốt giá, ấp ủ những chồi mầm, búp nụ no nê để đợi mùa xuân về cho đời màu hoa tươi rực rỡ.
Đúng vào những ngày Tết Nguyên đán, đào rừng đồng loạt nở hoa. Từ Sa Pa đến Mường Khương, những sườn đồi, bản làng, vực khe, góc phố, nơi đâu cũng hồng thắm sắc đào. Mỗi cây đào như có muôn cánh bướm hồng rung rinh trong gió.
Xuân về trên các bản làng
Mùa hoa đào nở rộ cũng là mùa lễ hội, du xuân. Cách phục sức của con gái nơi đây vừa đơn giản vừa cầu kỳ, vừa kín đáo vừa phô trương đường nét, tạo vẻ đẹp nữ tính, làm nên cốt cách của nữ giới. Áo cóm dịu dàng với hàng cúc bạc như cánh bướm, may bó sát người, vừa tạo dáng vừa ôm bộ ngực căng đầy sức xuân. Chiếc váy đen lấp lánh vòng xà tích bạc buông lơi bên eo hông. Nổi bật nhất trong bộ trang phục của người con gái Thái chính là chiếc khăn piêu. Chiếc khăn làm cho gương mặt thêm xinh tươi, duyên dáng. Khăn piêu không chỉ là vật che nắng đầu, giữ ấm cổ, ngực, vai trong tuyết sương buốt giá mà còn là vật dụng giá trị trong cuộc sống như làm quà tặng, tín vật trong tình yêu. Vào mùa lễ hội, điệu múa xòe uyển chuyển, điệu múa sạp rộn ràng mời gọi lữ khách ngất ngây trong điệu dân vũ lãng mạn, trữ tình giữa rừng hoa tươi thắm.
Bộ trang phục truyền thống của thiếu nữ H’mông, Dao, Hà Nhì... lung linh, rực rỡ, thoạt nhìn như có vẻ dư thừa màu sắc nhưng kỳ thực đó là tuyệt phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật trên vải vóc phù hợp với thân hình và tập quán tộc người. Các cô gái H’mông đã tạo ra đủ loại hoa văn, màu sắc tươi thắm, trầm ấm trên bộ váy, áo của mình. Họ thường diện bộ váy mới và đẹp nhất của mình để du xuân và đi dự chợ phiên. Chiếc ô xòe và chiếc gùi cũng là vật trang sức trong mùa lễ hội.
Chiếc ô không chỉ che mưa che nắng đơn thuần mà còn là vật dụng thiết thân được đưa vào trong nghệ thuật dân gian với điệu múa truyến thống lôi cuốn trong các lễ hội cộng đồng. Khi biểu diễn văn nghệ, các cô gái H’mông thường sử dụng những chiếc ô có màu sắc tươi sáng, rực rỡ xòe ra gập vào theo điệu nhảy, tạo thành những vòng tròn chuyển động linh hoạt rất là đẹp mắt. Họ dùng ô che xòe tạo cảm hứng cho các chàng trai thêm say sưa thể hiện tài nghệ múa khèn.
Điệu múa khèn của các chàng trai, chiếc váy xòe của những cô gái là hình ảnh bắt mắt, lôi cuốn lữ khách trong lễ hội Gầu Tàu, Lồng Tồng (Xuống đồng) thường được tổ chức vào đầu xuân. Cô gái Tày trang phục kín đáo, màu chàm giản dị nhưng gợi cảm bởi chiếc khăn quấn đầu điệu nghệ, khăn thắt eo để thân hình lộ rõ những đường cong đầy nữ tính.
Hoa xuân ở miền núi phía Bắc là tinh hoa của thiên nhiên, đất trời quy tụ lại để cùng sánh với vẻ đẹp nhân văn của con người. Mỗi mùa hoa nở thêm cảnh sắc ấm áp, tươi vui cho rừng núi, bản làng, cháy lên ngọn lửa tình yêu và sức sống cho mỗi con người. Hãy du xuân trên miền Tây Bắc và vùng cực Bắc của Tổ quốc để nhìn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ, tráng lệ ấy.
Tấn Khải (LVO)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/sac-xuan-tren-non-cao-20160216095951336.htm