Tây Nguyên được biết đến như là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: Ê đê, Mnông, Gia Rai, Ba Na… Trong kho tàng văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá như cồng chiêng, rượu cần, đàn Tơrưng…, thì không thể không nhắc đến giá trị của sử thi.
Sử thi là tấm gương phản ánh một cách toàn diện đời sống của một dân tộc ở một thời kỳ đã qua, đồng thời nói lên khát vọng của dân tộc ấy về một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng; ngợi ca tình yêu, lòng cao thượng, trí dũng con người trước thử thách của thiên nhiên và trong đấu tranh với cái ác… Sử thi Tây Nguyên là những áng anh hùng ca mà tuỳ theo ngôn ngữ mỗi dân tộc, được gọi với những tên khác nhau như: Khan (đồng bào Ê đê), Hom (đồng bào Ba Na), Hri (đồng bào Gia Rai), Ot Mrông (đồng bào Mnông)…
Bức tranh toàn cảnh về đồng bào dân tộc Tây Nguyên
Theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỉ XVI - khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi to lớn do các cuộc chiến tranh của các buôn làng…
Xét ở góc độ vĩ mô, cho đến nay, sử thi Tây Nguyên được biết là có đến hơn hai trăm bộ đã được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn. Số còn lại đã được biết đến nhưng chưa kịp ghi chép cũng có hàng trăm bộ nữa. Đây đích thực là một kho tàng văn học dân gian khổng lồ, một kho lịch sử - văn hóa vô giá có thể so sánh với kho thần thoại Hi Lạp nổi tiếng. Nhưng điều hơn hẳn (so với thần thoại Hi Lạp) là ở dung lượng của nó. Bên cạnh các tác phẩm sử thi riêng rẽ, độ dài vừa phải như Đăm San (2077 câu), Khinh Dú (5880 câu), thì nay đã phát hiện thấy loại sử thi liên hoàn, gồm nhiều tác phẩm, liên quan với nhau về nhân vật, chủ thể, phong cách thể hiện, như các sử thi: Ốt Drông của người Mnông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xê Đăng. Mỗi bộ sử thi liên hoàn này gồm khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh và được các chuyên gia đánh giá là những sử thi có độ dài nhất của thế giới, sánh ngang với những tác phẩm sử thi hoành tráng của nước ngoài như Ramayana, Kalevala….
Có lẽ trong văn học dân gian thế giới, sử thi Tây Nguyên được xếp vào loại có dung lượng lớn nhất. Nhưng điều quan trọng hơn là dù vắn dài, sử thi Tây Nguyên vẫn phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả mà sự kiện trung tâm là hình ảnh những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ, bao đời nay ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư… mà đồng bào Tây Nguyên gọi là các Mtao.
Nội dung của sử thi chứa đựng những biến cố to lớn của dân tộc, là một bức tranh toàn cảnh của cả một thời đại. Những nhân vật anh hùng trong sử thi được xây dựng không hoàn toàn mang tính cá nhân, mà đại diện, biểu trưng cho cộng đồng, mang những ước vọng vừa lãng mạn vừa kỳ vĩ của cả cộng đồng, họ có dáng vóc, sức mạnh phi thường, qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng phi thường của mình, đưa nhân dân đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, giàu mạnh, vinh quang hơn…Có thể nói, sử thi Tây Nguyên là một bản anh hùng ca hùng tráng góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất để sinh tồn và phát triển.
Sống đời sống riêng trong lòng đời sống cộng đồng
Sử thi Tây Nguyên thuộc loại hình văn học truyền miệng, do vậy ngôn ngữ thể hiện bao giờ cũng có ý nghĩa hàng đầu. Ngôn ngữ sử thi là ngôn ngữ lời nói vần, tức hình thức trung gian giữa ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ thơ ca. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì với các tộc người chưa có chữ viết thì văn học truyền miệng thông qua phương thức lời nói vần là phương tiện dễ nhớ, dễ lưu truyền. Cấu tạo của những lời nói vần thường là đối âm, đối nhịp. Ngôn ngữ của sử thi là ngôn ngữ ví von, giầu hình ảnh, nhạc điệu, mượn hình ảnh cây cỏ, chim thú để nói về con người và tâm trạng của con người. Có lẽ vì vậy mà dù văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng vẫn có các cụ già thuộc lòng.
Nét khác biệt giữa sử thi Tây Nguyên với nhiều tác phẩm sử thi cổ điển khác, như Iliat, Ô-đi-xê, Ramayna, Kalevala là hiện nay chúng chỉ tồn tại chủ yếu trên sách vở hay đã bị biến dạng trong các hình thức nghệ thuật khác, thì sử thi Tây Nguyên vẫn được lưu truyền nguyên bản trong nhân dân, vẫn được nhân dân trình diễn trong các sinh hoạt cộng đồng, vẫn được các thế hệ học hỏi, lưu truyền và không loại trừ cả sáng tạo, hoàn thiện nữa. Như vậy, sử thi Tây Nguyên vẫn sống đời sống riêng của nó trong lòng đời sống cộng đồng. Đó cũng là nét độc đáo, là vốn quý của Tây Nguyên.
Sử thi Tây Nguyên là dạng văn hoá phi vật thể, sáng tạo, lưu truyền thông qua truyền miệng, tiềm ẩn trong trí nhớ của người dân, chỉ khi nào có dịp như cưới xin, hội hè, mừng nhà mới, đón tiếp khách quý, mừng trẻ nhỏ đầy năm, đầy tháng thì nghệ nhân mới hát kể sử thi, lúc đó sử thi mới hiện hữu. Như vậy, sử thi gắn với nghệ nhân, gắn với sinh hoạt cộng đồng, tức là gắn với con người và xã hội con người.
Những nghệ nhân kể sử thi là những “kho tàng sống”, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây nguyên, và đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn vẫn chậm rãi kể cho con cháu nghe, thường phải kể hàng chục đêm mới xong… Để có thể thuộc lòng áng sử thi như vậy, đòi hỏi người kể sử thi phải có tình yêu thiết tha và lòng say mê đối với vốn văn hóa vô giá của dân tộc. Với họ mỗi lần kể sử thi là mỗi lần được nhập cuộc, được sống lại cái không khí cuộc sống cộng đồng cách nay hàng trăm năm… Mặt khác, cái khung cảnh huyền ảo của màn đêm, của không gian núi rừng như tạo nên một không - thời gian huyền thoại mà cũng rất thực và sống động lạ thường… Nếu ai đã được nghe kể sử thi thì hẳn không quên được cái ấn tượng của những đêm Tây Nguyên khi bên bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà rông hay nhà dài, nghệ nhân hát kể sử thi và xung quanh con cháu, buôn làng ngồi nghe như nuốt từng lời, như hòa vào cái không gian huyền ảo, lung linh, lặng thầm cuộc sống.
Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được thực hiện trong thời gian từ 2001 đến 2008 đã sưu tầm được 801 tác phẩm với 5.679 băng ghi âm loại 90 phút. Đến năm 2012, đã có 75 bộ sử thi được xuất bản (song ngữ) và 21 bộ sử thi khác sắp sửa được xuất bản. Tháng 4/2015, sử thi Ba Na (tỉnh Gia Rai) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Kim Ngân (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/su-thi-tay-nguyen--kho-tang-van-hoa-tinh-than-vo-gia-20151116094847125.htm