Mỗi người Hà Nội hẳn đều có ký ức của riêng mình khi nghĩ về thành phố này. Với tôi, tôi nhớ tiếng tàu điện leng keng sớm khuya trên những con phố Hà Nội ngày còn thơ ấu.
Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc họa và trong ký ức mỗi con người nơi đây bởi vẻ đẹp thanh lịch, bình dị rất đỗi thân thương. Có nhiều hình ảnh gợi nhớ về Hà Nội như hoa sữa, góc phố, những tiếng rao trưa hè, hồ Tây lúc hoàng hôn… Mỗi người Hà Nội hẳn đều có ký ức của riêng mình. Với tôi, đó là tiếng tàu điện leng keng sớm khuya trên những con phố Hà Nội ngày còn thơ ấu.
Theo các ghi chép về thủ đô, tàu điện Hà Nội chạy chuyến đầu tiên ngày 13.9.1900. Nhà máy xe điện của Pháp cho chạy thử trên tuyến Bờ Hồ - Thuỵ Khuê nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Trong những thập niên sau đó, các tuyến tàu điện liên tục được mở ra. Từ ga Trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường tỏa ra 6 ngả: Yên Phụ, Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và ngã tư Vọng, cũng là 6 cửa ngõ nối ngoại thành với nội thành.
Tàu điện trên phố Hà Nội xưa
Mỗi đoàn tàu ngày đó thường thường có 3 toa, 1 toa đầu kéo và 2 toa khách. Riêng toa đầu kéo hai đầu toa đều có cabin điều khiển để có thể lái được cả hai hướng mà không cần phải quay đầu, ngay sau cabin là cửa lên xuống, còn các toa khác thì cửa lên xuống nằm ở giữa.
Tàu điện trên những con phố quen thuộc của Hà Nội
Cabin lái tàu nhỏ như cái chuồng gà, bên trong có cái ghế cố định xoay được như ghế quầy bar bây giờ. Mặt bàn điều khiển rất đơn giản, chỉ có mấy cái đồng hồ nhỏ xíu và hai cái chốt, mỗi khi người lái tàu vào buồng lái thường đem theo 2 chiếc khóa to như cái đùi gà bằng đồng vàng chóe lắp vào chốt để điều khiển, khi rời cabin lại tháo đem theo, coi như khóa an toàn. Phía dưới, trước bụng người lái tàu là cái tay quay như tay lái tàu thủy, mỗi lần vào bến người lái tàu quay thật lực. Dưới chân người lái là bàn đạp chuông tàu. Khi cần báo hiệu, lái tàu nhấn vào đó, tiếng chuông leng keng leng keng nghe rất rộn rã, vui tai. Tiếng chuông tàu điện cả một thời gian dài hơn nửa thế kỷ đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người Hà Nội.
Mỗi toa tàu có một người soát vé kiêm bán vé mà người ta gọi trại đi là "sơ vơ" (soát vé). Trên tay "sơ vơ" lúc nào cũng có cái cặp to hơn quyển vở học sinh bằng da thuộc dày cộp và cũ kỹ, chắc có từ thời Pháp. Trên mặt cặp là những cái móc đính những tập vé màu sắc khác nhau tương ứng với giá tiền cho các cung đường dài ngắn khác nhau.
Tàu điện chạy trong khu phố cổ
Trước chợ Đồng Xuân
Tàu điện trên phố Hà Nội chụp năm 1972
Phố Hàng Ngang, Hàng Đào năm 1985.
Tàu điện trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, và đài phun nước bờ hồ
Tàu điện trên phố Hàng Giấy
Trên tàu là một xã hội thu nhỏ, hành khách thật đa dạng: công nhân viên chức, người ngoại tỉnh, những bà chạy chợ với quang gánh thúng mủng cồng kềnh, người ăn mày ăn xin, và tất nhiên không thiếu những kẻ trộm cắp. Đặc biệt nhất là những người bán hàng rong, với tiếng rao có vần điệu ấn tượng và hóm hỉnh. Họ thường mang cái hộp bằng gỗ trông như chiếc vali nhỏ, đeo lên cổ bằng sợi dây vải và mở ra trước ngực, bên trong hộp bầy biện những món hàng nho nhỏ.
Tàu điện tại bến trung tâm bên bờ hồ Hoàn Kiếm
Trong cuộc Toàn quốc kháng chiến tháng 12.1946, tàu điện từng là những chướng ngại vật ngăn cản bước tiến của xe cơ giới thực dân Pháp trên đường phố Hà Nội.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, tàu điện tiếp tục trở thành phương tiện vận chuyển khách công cộng rất quan trọng, trong khi các phương tiện khác, nhất là xe buýt, chưa đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng tăng.
Tàu điện trên phố Thụy Khuê
Đến đầu thập niên 1990, các tuyến xe điện dần dần ngừng hoạt động và đến cuối thập niên này thì chấm dứt hẳn. Nhưng tiếng chuông leng keng của tàu điện đã đi vào tâm thức của nhiều người dân Hà Nội, trở thành ký ức khó quên về một chặng đường lịch sử của thủ đô.
Bài: Ngọc Trâm. Ảnh: Internet
Nguồn: Một thế giới
Theo baonga.com
http://baonga.com/chuyen-hay.nd376/tau-dien-leng-keng---ky-uc-sau-dam-cua-nguoi-ha-noi.i62986.html