Một số sản phẩm chữ tre
|
Khi khách thập phương bắt đầu đổ về phố Hội cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề khắc chữ tre cũng dần dà xuất hiện và tạo thành một loại sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được nhiều du khách cùng người dân bản địa ưa thích.
Tại phố cổ Hội An, nghệ nhân trẻ Lê Phước Tiến được nhiều người biết đến bởi ý tưởng sáng tạo độc đáo: Làm chữ tre. Anh cũng là chủ cửa hàng khắc chữ tre sớm nhất tại Hội An. Trong một lần gặp và trò chuyện, tôi được biết anh đến với sản phẩm chữ tre này cũng hết sức tình cờ, khi ban đầu chỉ vài người trong gia đình ưa thích và chưa có ý định thương mại hóa sản phẩm này. Nhưng sau đó do nhu cầu du khách, anh đã mở ra vài cơ sở sản xuất chữ tre với hàng chục công nhân.
Hiện tại, ở Hội An đã có khoảng chục cơ sở như của anh Tiến, đang sản xuất loại sản phẩm độc đáo này. Ghé thăm một gian hàng tại phố Nguyễn Thị Minh Khai, tôi gặp anh Lê Hoàng, chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ đang miệt mài gọt dũa sản phẩm để đưa lên kệ phục vụ khách du lịch. Anh Hoàng cho biết: “Hiện tại ở riêng con đường này cũng đã có vài hộ theo nghề khắc chữ tre phục vụ khách du lịch. Anh học nghề và theo nghề hơn 5 năm nay. Dù buôn bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng vẫn rất đam mê và quyết tâm gắn bó với nghề”.
Không chỉ khắc chữ trên chất liệu tre truyền thống, các nghệ nhân ở Hội An còn khắc chữ trên đá, trên gỗ hay thân dừa, thân cau… Nhưng chủ yếu nhất vẫn là khắc trên tre. Quy trình làm chữ tre cũng lắm công phu: Gốc tre già được đem về cưa đoạn, qua các khâu xử lí mối mọt để tạo độ bền sau đó mới cạo bớt lớp vỏ (tinh tre) bên ngoài. Chữ được viết cẩn thận lên giấy rồi căn trên chất liệu tre, sau đó đục, khắc theo chữ đã căn rồi gọt dũa mắt tre hoặc chùm rễ tre để tạo vẻ đẹp tự nhiên cho chữ. Cuối cùng là công đoạn đánh bóng, chờ tre khô, sơn phết màu trang trí tạo sự ấn tượng cho sản phẩm. Có chữ còn được thiếp vàng trên nền đen hoặc đỏ, có chữ được sơn đen trên nền tre mộc hoặc có chữ được để mộc trên nền sơn đen…
Anh Hoàng cho biết, trung bình mỗi ống tre dài khoảng 20 đến 25 cm, khi được khắc chữ thành phẩm có giá khoảng 8-10 USD. Chữ thường là những câu tục ngữ ngắn như “Công thành danh toại” hay các câu đối “Phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn”. Khách du lịch muốn lấy sản phẩm ngay tại chỗ thì có thể đợi sau khoảng hai đến ba giờ đồng hồ và khắc theo đúng yêu cầu kể cả tiếng Anh hay tiếng Trung. Ngoài phục vụ nhu cầu du khách thập phương, chữ tre còn có ở ngay chính các quán cafe, chùa chiền hay bài trí trong nhà của người dân phố Hội. Nhiều du khách ở tận Hà Nội, Quảng Bình, Hồ Chí Minh… sau khi về quê vẫn điện thoại yêu cầu đặt hàng và được vận chuyển đến tận nơi để giao dịch.
Sản phẩm từ nghề khắc chữ tre cũng khá đa dạng, ngoài các ống tre nhỏ thì còn có các liễn tre khắc câu đối dài và lớn, các bảng hiệu buôn bán hay các dòng chữ “Chân – Thiện – Mỹ”; “Phúc – Lộc – Thọ”, khắc hình các con vật lên tre… Những du khách đến từ nước ngoài lại thích khắc tên mình hoặc tên nơi sinh sống, đất nước của họ lên ống tre và đều được các “nghệ nhân phố Hội” phục vụ hết sức nhiệt tình và thân thiện.
Cùng với những nét đẹp văn hóa nơi phố Hội như lồng đèn, cao lầu hay gốm sứ..., chữ tre đang tạo nên một bản sắc riêng độc đáo cho Hội An, khiến du khách đến đây bị mê hoặc và luôn có ấn tượng sâu đậm với vùng đất trầm mặc, thanh lịch này.
(Theo Dân Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/doc-dao-khac-chu-tre-o-hoi-an-20151027154734807.htm