Chợ quê xưa
|
Không gian văn hóa…
Không biết chợ quê có tự bao giờ. Mấy mái lều tranh dựng tạm bợ bên lũy tre đầu làng, chỉ chừng vài trăm bước chân nữa là ra tới bến sông. Ai đi qua làng cũng đều nghỉ chân uống vài chén nước chè xanh, người làng đi làm đồng về cũng xuống bến sông rửa chân tay qua loa rồi tạt vào hàng nước để hút điếu thuốc lào, tán chuyện. Trẻ con như tôi mà biết đi lẫm chẫm đã bám gấu áo của bà, của mẹ theo đi chợ, vui vui khi được các bà bán hàng thưởng cho một cây kẹo bột, một tấm bánh đúc mà chẳng phải trả tiền…
Những thức hàng bày bán ở chợ thường là mớ rau, con cá từ vườn nhà, vài quả cà, quả ổi, bán cho vui là chính chứ thu nhập chẳng là bao. Gọi là bán nhưng cho người làng hai ba phần…
Còn nhớ những sáng mùa đông rét cắt da cắt thịt, khi đi học, tôi thường rẽ vào chợ, chỉ cần năm trăm đồng là có một tấm bánh đúc, hay ba bốn cái bánh cuốn còn nóng hổi của bà cụ Sâm. Bà già ngoài bảy mươi tuổi nhưng bánh bà làm ngon nức cả huyện bởi bột bánh rất mịn, lại dai. Mưa hay nắng thì căn lều nhỏ của bà cũng thường chật ních người. Bà luôn ưu tiên cho tôi được lấy bánh trước, ăn trước vì bà với ông nội tôi là chỗ thân quen. Mùa hè thì cũng chỉ năm trăm đồng ấy là có một bát sữa đậu nành, một bát chè đậu đen mát lạnh…
…Nơi lưu giữ hồn quê
Ngày hội làng, chợ đông hơn hẳn. Khách tứ phương kéo về, nên hàng hóa bày bán cũng nhiều hơn. Chỉ có những dịp trọng đại như thế này, đích thân ông nội tôi mới dắt chị em tôi đi chợ, mua cho mỗi đứa một cái áo hoa mới tinh. Ông tôi như khỏe ra nhiều, chòm râu trắng muốt rung rung theo những sợi khói thuốc lào bay lảng vảng trên mái tranh. Lũ trẻ con xóm nghèo như tôi mải mê với những cái bóng bay nhiều màu sắc, những cờ, quạt đủ màu được người ta bày bán hai bên đường. Tiếng nói cười xôn xao, tiếng trống ngày hội làng còn len lỏi trong cả giấc mơ con trẻ mỗi đêm về…
Nhiều năm sau, ông nội tôi yếu đi, không còn đủ sức đi chợ quê mỗi dịp làng có hội nữa, Tôi lớn hơn, vẫn không bỏ sót phiên chợ nào, vẫn mê tấm bánh đúc giá năm trăm đồng của bà cụ Sâm như hồi còn lên chín, lên mười. Những thứ rau quả trong vườn ông nội trồng, tôi đã có thể mang ra chợ bán. Đổi về vài tấm bánh làm niềm vui lấp lánh trong mắt nội.
Nội tôi qua đời, tôi theo ba mẹ về thành phố, tháng Ba giỗ nội, lại về quê. Xúc động khi người bán hàng trong chợ vẫn nhớ tên tôi, rồi mỉm cười giả lả: “Người thành phố rồi còn mê món bánh đúc rặt mùi vôi. Ăn bao nhiêu được thì ăn con ạ, bà không lấy tiền con đâu!”. Tôi chỉ biết mỉm cười bẽn lẽn…
Giờ đây, góc chợ quê ngày xưa đã thay bằng khu chợ khang trang, những dãy nhà ba tầng, bốn tầng mọc lên san sát, bày bán đủ thứ hàng hóa bắt mắt. Con đường quê đã được rải nhựa phẳng lì, không còn những lều quán dựng tạm bợ dọc đường nữa. Vị bánh cuốn, bánh đúc đâu ngon và mịn như bánh nấu ngày xưa… Và chắc hẳn rằng người làng có kẻ quên người nhớ…
Về quê giữa ngày hội làng, lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc khó tả. Đâu đó một góc chợ quê vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đẹp của một thời ấu thơ êm đềm trong tôi…
Quỳnh Sen (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/mot-goc-cho-que-20150915104500298.htm