Ở Hà Nội, đã mấy người biết được trong vùng phố cổ “36 phố phường” xưa có ba ngôi đình mà lại là đình chợ, nghĩa là ở đó không chỉ thờ tổ nghề, thờ thành hoàng làng, mà còn là chợ bán sản phẩm của phường nghề làm ra. Đó là Tú thị đình (đình chợ thêu), Quyến yếm thị đình (đình chợ bán yếm lụa) và Xuân phiến thị đình (đình chợ quạt mùa xuân).
Đình chợ thêu ở số 2A, ngõ Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Yên Thái là tên thôn cổ bản địa, thuộc tổng Tiền Túc - sau đổi thành Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội trước đây. Những thợ thêu đến lập nghiệp đầu tiên ở Thăng Long là dân làng Quất Động, tổng Bình Lăng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, nay Quất Động là một thôn của xã Hồng Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Cư trú trên đất các thôn Cổ Vũ, Khánh Thụy Hữu và Tiền Túc, huyện Thọ Xương, họ lập ra phố Hàng Thêu là đoạn cuối phố Hàng Trống bây giờ. Họ còn ở rải rác trong các phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), Hàng Hài (đoạn đầu phố Hàng Bông), Mã Vĩ (đoạn phía đông phố Hàng Nón)... Để thờ tổ nghề và cũng làm nơi sinh hoạt cộng đồng người làng ra ngụ cư đất kinh thành, họ mua đất thờ Tổ sư nghề thêu ở thôn Yên Thái.
Tổ nghề thêu có tên là Trần Quốc Khái, tương truyền có lúc làm con nuôi họ Bùi nên gọi là Bùi Quốc Khái, sau được ban quốc tính đổi ra họ Lê, tên Công Hành. Ông vốn gốc họ Mạc, ở nhà thờ họ Bùi Trần thôn Quất Động có ghi rõ lai lịch của ông và tấm bia “Vũ du tiên sư bi ký” ở đình Ngũ Xã của năm làng thêu Quất Động, Hướng Dương, Võ Lăng, Tam Xá, Đào Xá đã ca ngợi công đức của ông và các vị hậu tổ sư truyền nghề thêu và nghề làm lọng cho năm làng ấy.
Chuyện kể rằng: Ông đỗ tiến sĩ đời vua Lê Nhân Tông và được cử đi sứ Trung Quốc năm 1646. Muốn thử sức tài sứ giả Đại Việt, vua quan Tàu đã nhốt ông trên lầu cao rồi rút thang, canh gác cẩn mật, không cho ai đến gần, không cung cấp cơm nước. Ông thông minh và mưu trí tìm ra vò nước lã và pho tượng Phật làm bằng bột ở trên lầu, nên cứ ung dung bẻ tượng Phật ăn, uống nước lã qua nhiều ngày không đói khát. Nhân rỗi rãi, ông tháo bức nghi môn ra xem xét cách thức thêu thế nào, rồi lại hạ chiếc lọng tìm hiểu cách làm khung, sơn vải lợp, nhất nhất ghi vào dạ. Mãi không thấy chủ nhà động tĩnh gì, ăn hết tượng, uống hết vò nước, ông nảy sáng kiến, kẹp chặt hai lọng vào hai bên nách rồi nhảy từ trên lầu xuống. Bị gió cản, lọng đưa ông tiếp đất từ từ trước sự kinh ngạc và thán phục của quan Tàu. Về nước, ông đem kỹ thuật thêu và làm lọng truyền cho năm làng ở quê hương. Kỹ xảo của hai nghề này vốn đã có ở đây càng được nâng cao.
Từ khi có đình thờ tổ nghề ở Yên Thái, bà con thợ thêu đã biến nơi đây thành ngôi chợ, nhằm giới thiệu và bán hàng của phường nghề tại kinh thành cũng như của năm làng ở Thường Tín. Những phiên đông vui nhất là vào dịp Tết cổ truyền, những ngày đô thành có lễ hội và giỗ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Sáu âm lịch.
Đình chợ bán yếm lụa chính là đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, nay Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội đóng. Đình thờ ba vị trong tứ trấn thành Thăng Long là Bạch Mã Thành hoàng Quốc đô, Thánh Linh Lang (thờ chính ở đền Voi Phục Thủ Lệ) và Thánh Cao Sơn trấn phía Nam (thờ chính ở đình Kim Liên). Tại đây có tấm bia đá tạc sau rằm tháng Tám năm Bính Thìn 1856 đời Tự Đức, do cử nhân Phạm Đình Viên người phủ Khoái Châu, Hưng Yên soạn. Mở đầu có đoạn: “Đình chợ bán yếm lụa do Hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng đời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại...”. Nhờ đó, ta biết khoảng 260 năm trước, ở phường Đồng Lạc và phường Đại Lợi tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nay là phố Hàng Đào, đã có cái chợ chuyên bán các loại yếm phụ nữ.
Đình Đồng Lạc tại 38 Hàng Đào
|
Yếm xưa có nhiều loại, từ bằng vải nhỏ nhuộm nâu đến yếm lụa, yếm sồi màu mỡ gà, màu điều, sau này có yếm vải phin, pôpơlin trắng muốt... Lại có nhiều kiểu mở ở cổ: cổ xẻ, cổ xây, cổ trái tim, cổ cánh nhạn, cổ trễ, nhưng bao giờ cũng phải đủ bốn dây, hai dây đeo trên cổ và hai dây buộc trễ tràng thắt múi sau lưng. Yếm xưa chỉ có một lần vải, thông thoáng, không nịt chặt, không gò bó...
Đình chợ quạt mùa xuân ở số 4, phố Hàng Quạt, nơi thờ tổ nghề họ Đào của dân làng Đào Xá, tên Nôm là Đầu Quạt, ở huyện Ân Thi, Hưng Yên ra đây hành nghề. Thờ tổ nghề nhưng hằng năm vào mùa xuân, mùa của hội hè đình đám, cũng là cái chợ bán quạt cho thiên hạ. Phố nghề vốn lập ra trên đất thôn Tố Tịch và Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, vừa làm quạt vừa bán luôn.
Không chỉ có quạt của phường mình, làng mình, các loại quạt làng nghề khác mang đến cũng bán luôn tại đây. Ấy là quạt giấy, quạt lượt nan ngà của làng Lũ (Kim Lũ, huyện Thanh Trì), quạt Hới của làng Hải Yến (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), quạt Vác của làng Canh Hoạch (huyện Thanh Oai, Hà Đông) phất giấy nhưng trổ kim hình hoa lá rất đẹp. Lại những quạt tre đan hình thang, hình lá vả, lá đề của làng Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm), làng Chàng (Chàng Sơn, Thạch Thất); quạt lông ngỗng của làng Đơ - Hà Đông... Làng Vo (Nông Vụ, huyện Gia Lâm) đem đến các loại quạt thóc giúp nông dân thu hoạch lúa. Chưa hết. Có những loại để “chơi”: quạt đạo cụ cho diễn viên chèo, tuồng phất bằng lụa màu, khi múa xòe ra bay lất phất, quạt trang trí bày trong tủ bằng sừng, ngà, cật tre sơn đen, phất lụa, lượt mỏng tang, vẽ màu cảnh sơn thủy hữu tình, hoa chim, lại đề bài thơ bốn câu chữ Hán ở góc.
Giờ đã có quạt điện, điều hòa nhiệt độ, nhưng cây quạt tay cổ truyền chưa hết chỗ đứng trên thị trường. Để trang trí nội thất, ngoài quạt mỹ thuật nhỏ để tủ kính lại có cái lớn xòe ra to một hai mét, nan bằng tre cật chuốt nhẵn quang sơn, hay gỗ thông, gỗ trầm mỏng tang, nhài bạc hay đồng. Hoặc cây quạt phất lượt hay là vẽ bức tranh. Thứ quạt nan lá đề cài hoa nhuộm màu còn làm quà lưu niệm, du khách rất ưa.
(Theo HNM)