|
Sản phẩm quạt sừng Canh Hoạch
|
Gia đình ông Lê Văn Thứ có truyền thống lâu đời với nghề làm quạt sừng. Ông Thứ cho biết, nghề làm quạt sừng ở làng Canh Hoạch đã có từ thế kỷ trước, còn với gia đình ông thì nghề này được vợ chồng ông tiếp nối lại của các cụ tổ tiên. Trải qua thời gian, nghề làm quạt sừng truyền thống của làng đã dần mai một bởi sự du nhập của công nghệ vào đời sống nhưng vì sự say mê với sản phẩm truyền thống và muốn giữ gìn nghề của tổ tiên nên đến nay vợ chồng ông vẫn duy trì nghề làm quạt sừng.
Để có một sản phẩm quạt sừng, người làm phải mất khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc tìm những thanh tre ưng ý, người làm bắt đầu cưa thành từng ống rồi chẻ thành từng nan. Sau đó đem phơi được nắng cho nan tre không bị mối mọt rồi xếp thành từng bộ. Công đoạn dán giấy lên hai mặt quạt được người làm sử dụng nước quả cậy thay cho hồ dán, bởi nước quả cậy có kết dính cao và đặc biệt khi kết hợp với phẩm màu sẽ cho ra màu quạt theo ý muốn người làm. Từ việc chỉ dùng bằng giấy dó mua từ Yên Phong (Bắc Ninh) dán quạt cho độ bền cao, nhà ông Thứ còn dùng vải, lụa với đủ màu sắc phong phú.
Theo ông Lê Văn Thứ cho biết, sở dĩ người ta gọi những chiếc quạt của người làng Canh Hoạch là quạt sừng bởi hai chiếc nan cái hai bên quạt được người làm gắn nguyên liệu sừng trâu đen hoặc sừng trâu trắng. Sừng trâu được người làng Canh Hoạch tìm mua ở làng Thụy Ứng, huyện Thường Tín rồi về gia công. Phần gia công nan sừng cái đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ bởi nếu không khéo tay hay gọt ẩu thì sẽ bị hỏng nan.
Đặc biệt, những họa tiết hoa văn trên quạt sừng Canh Hoạch đều được thực hiện bằng kỹ thuật châm kim. Đây là kỹ thuật phức tạp và độc đáo chỉ có bàn tay tài hoa của những nghệ nhân trong làng Canh Hoạch mới làm được. Với sự khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, ông Lê Văn Thứ sử dụng kỹ thuật châm kim tạo những hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, tứ quý: tùng- cúc- trúc- mai, hoa lá cành…
Đến nay, do thu cầu của thị trường về quạt sừng không nhiều nên đa số hộ dân ở Canh Hoạch đã chuyển sang làm kinh tế bằng nghề làm lồng chim, chỉ còn nhà ông Lê Văn Thứ duy trì nghề làm quạt sừng. Những sản phẩm quạt sừng được vợ chồng ông làm ra được bán cho đền chùa, hay cho những người dân quanh vùng. Bên cạnh đó, gia đình ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc trong những tour tìm hiểu những làng nghề truyền thống cho du khách quốc tế tới Việt Nam./.
|
Chất liệu sừng trâu được sử dụng để chế tác nan quạt sừng Canh Hoạch
|
|
Công đoạn khoan sừng để làm nan quạt
|
|
Công đoạn đóng khuy cho cán quạt
|
|
Sau khi những xương quạt đã được ghép, người thợ phải gọt hết xương bằng tre cho vừa kích cỡ với sừng
|
|
Công đoạn đặt khoảng cách cho các xương quạt
|
|
Công đoạn dán giấy cho quạt
|
|
Quạt sau khi được dán sẽ được mang phơi ngoài ánh nắng mặt trời
|
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)