|
|
Người Bhnong là nhóm địa phương của dân tộc Giẻ - Triêng sinh sống tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ðây là một tộc người còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống với nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Một trong những phong tục đó là tục cưới xin hay còn gọi là tục bắt vợ, bắt chồng.
Ðiều kiện để con trai, con gái lấy nhau
|
|
Khi đến tuổi cập kê, điều kiện, tiêu chuẩn để đôi trai gái tìm đến với nhau là con trai phải biết làm rẫy, đan gùi, săn bắt, đặc biệt là tham gia làm nhà làng ít nhất hai đến ba lần; con gái biết chăm sóc nương rẫy, thu hoạch hoa màu, dệt vải, hái rau… Nếu có khiếu nhảy múa, hát ca thì càng tốt vì đây là yếu tố thu hút bạn tình.
Ðể tìm hiểu, yêu thương nhau, đôi trai gái thông qua các cuộc hẹn hò, gặp gỡ hoặc trong công việc làm ăn hay cuộc sống thường ngày. Người con gái xem người con trai có giỏi giang, siêng năng trong công việc hay không, ngược lại, người con trai theo dõi người con gái về nét đi dáng bước, nói năng, có biết làm rẫy và trồng các loại rau, dưa, bầu, bí… Ðó là những tiêu chuẩn để đôi bên lựa chọn, khi cưới nhau mới đảm bảo cuộc sống gia đình và nuôi con cái.
Hai vợ chồng cùng uống rượu cần trong lễ cưới. Ảnh: Minh Phương
|
Sau khi tìm hiểu nhau, người con trai đi tìm quả cau ngon, lá trầu xanh và nhờ trẻ con đưa cho cô gái để nhà gái biết rằng con gái mình đã có chàng trai để ý, yêu thương. Nếu cha mẹ cô gái chấp nhận thì lấy ăn. Lúc đó, người con trai chịu khó đi săn, đi đặt bẫy để kiếm thịt rừng ngon nhất biếu cho nhà gái.
Thời gian tìm hiểu có thể kéo dài hai đến ba mùa rẫy, khi đã thật sự thương yêu nhau thì họ tính tới chuyện hôn nhân. Chàng trai thường tặng cho cô gái đồ trang sức như khuyên tai, vòng cườm hay sợi chỉ đỏ thắt thành một chiếc vòng tay. Người con gái thường tặng cho người con trai túi xách thổ cẩm do tự mình làm ra. Khi tình yêu đã chín muồi họ báo cho gia đình biết và nhờ ông mai đi nối duyên. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, được sự chấp thuận của gia đình thì ngày cưới được ấn định vào thời gian sau đó.
Bó củi hứa hôn của cô gái Bhnong
Lễ cưới của người Bhnong diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ như: Lễ chuyển củi, lễ xếp củi, lễ bla (vợ chồng trao nhau nắm cơm, miếng gan gà để cùng ăn và cùng uống rượu cần), lễ tahi, lễ tava và tiệc chiêu đãi dân làng. Trong đó, lễ chuyển củi, lễ xếp củi là nghi lễ quan trọng nhất bởi theo luật tục, củi là vật hứa hôn của cô gái Bhnong với chàng trai mà họ yêu.
Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái Bhnong thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó (100 bó) để sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng. Củi hứa hôn có một vị trí quan trọng trong hôn lễ của người Bhnong. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Ðây là củi bắt chồng hay củi cho chồng.
Trong ngày ăn hỏi, cô gái xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày. Nếu nhà xa mà củi hứa hôn lại nhiều thì cần thêm nhiều người giúp. Khi lượng củi chuyển sang nhà trai được khoảng hai phần ba thì một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị xếp củi vào ngày hôm sau.
Củi cưới
|
Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn. Sau nghi lễ đó những người phụ giúp mới tiếp tục xếp củi thành khối vuông vức. Cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải trồng cây nêu trước nhà làng để thông báo với mọi người trong làng và khách mời gần xa biết việc tổ chức tiệc chiêu đãi và các hoạt động vui chơi, múa hát dân gian trong dịp cưới.
Ðám cưới được diễn ra dưới sự điều hành của người mai mối. Lễ vật gồm: Gùi, ché và trang phục của nhà gái để biếu nhà trai. Nhà trai tặng cho nhà gái một đùi lợn, ít gạo, muối, ớt và bầu rượu để nhà gái mang về. Trong lễ cưới, nhà trai và nhà gái chúc tụng nhau bằng hình thức hát đối đáp, giao duyên.
Rượu cần là thứ quan trọng nhất không thể thiếu trong lễ cưới. Mỗi lễ cưới, nhà trai hay nhà gái đều phải chuẩn bị từ 20 đến 30 ché rượu. Các loại lương thực, thực phẩm khác như gạo nếp, thịt phải dồi dào để chế biến món ăn và chia ra thành nhiều phần, xâu lại bằng lạt tre để làm quà chia đều cho bà con, họ hàng và cả khách mời ăn cưới.
Sau đám cưới cặp vợ chồng mới sinh sống nhà trai hoặc nhà gái tùy theo hoàn cảnh của hai gia đình. Nếu bên nhà gái neo đơn, ít lao động thì họ sẽ ở nhà gái từ 2 đến 3 năm hoặc ngược lại. Khi có đủ điều kiện thì đôi vợ chồng mới có thể tách bếp, để lo toan cho cuộc sống gia đình mình.
Theo luật tục Bhnong, chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được coi trọng trong cộng đồng. Hôn nhân bắt nguồn từ tình cảm yêu thương chân thật của đôi trai gái, không có tính chất trao đổi, mua bán hoặc ép buộc giữa hai gia đình. Đặc biệt, người Bhnong không có tục thách cưới. |
(Theo Làng Việt)
Nguồn Quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Ban-sac-van-hoa/Gioi-thieu-ban-sac-van-hoa/2015/05/59B52FE9/
|