Nếu trước đây những sản phẩm cơ khí của làng Quảng Bố (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) từng được đánh giá là tinh xảo và đa dạng thì nay các sản phẩm cơ khí đồng của làng hiện đã có mặt ở khắp các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh, dưới dạng cung cấp những sản phẩm thô cho các tập đoàn, công ty lớn trong ngành cơ khí của Việt Nam.
Từ xưa, làng Quảng Bố (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đã nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng. Hiện nay, nghề đúc đồng truyền thống của làng phát triển cả về số lượng và chất lượng với hàng trăm công ty mở rộng thị trường kinh doanh, sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Đông, một hộ gia đình làm nghề đúc đồng ở Quảng Bố kiểm tra các sản phẩm chuông đồng vừa ra lò
|
Một chiếc đỉnh đồng đang được người dân làng nghề Quảng Bố mài kĩ sau khi đúc
|
Theo chị Nguyễn Thị Thuỷ (Giám đốc công ty Mạnh Quyết), từ năm 2011, số lượng công ty ở làng đã tăng lên đến con số hàng trăm, ở đủ các quy mô lớn nhỏ, chưa kể đến hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Ước chừng số hộ gia đình tham gia vào nghề sản xuất cơ khí từ đồng chiếm đến 75% tổng hộ gia đình trong toàn thôn.
Do là làng nghề sản xuất các sản phẩm là chi tiết máy móc, sử dụng trong các ngành cơ khí, chế tạo nên hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh trong làng đều sản xuất mặt hàng chuyên biệt khác nhau. Ví như công ty của gia đình chị Thuỷ là nơi chuyên sản xuất các loại đồ thờ và các đồ trang trí bằng đồng. Những người em khác trong gia đình chị Thủy, người thì chuyên sản xuất ốc vít, bản lề bằng đồng, có người lại chuyên sản xuất dây điện, khoá, van nước bằng đồng…
Nói về nghề truyền thống của địa phương, chị Thuỷ cho biết, gia đình thừa hưởng nghề đúc đồng của các cụ xưa để lại. Đó là những cơ sở đúc đồng nhỏ, sản xuất hoàn toàn bằng thủ công từ những chiếc ốc vít, van xe đạp,…Do sự tác động của cơ chế thị trường, gia đình đã thay đổi và cập nhật về cả công nghệ lẫn những sản phẩm cơ khí khác làm sao phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện tai. Chính vì lẽ đó, từ xưởng sản xuất thủ công, nhỏ lẻ với những sản phẩm thiết yếu, đơn giản, cho đến nay khu xưởng của gia đình cô đã có đến 80% máy móc thay thế cho sức lao động thủ công ngày trước. Bởi vậy, sản phẩm làm ra cũng chuyên biệt, phong phú và độ tinh xảo cao hơn. Sản phẩm của công ty Mạnh Quyết được khách hàng cả doanh nghiệp và cá nhân ở khắp cả nước trực tiếp về đặt hàng hay giao dịch qua điện thoại.
Rời những hộ gia đình đã thành lập công ty trong làng, chúng tôi tìm đến những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ hơn để có cái nhìn tổng quan về làng nghề đúc đồng truyền thống Quảng Bố. Điều đặc biệt là tuy các hộ sản xuất theo mô hình kinh doanh nhỏ lẻ trong làng nhưng hộ nào cũng có vài ba lao động làm thuê. Ở làng Quảng Bố, mỗi hộ gia đình đều sản xuất các sản phẩm chuyên biệt, gần như không “đụng hàng” nhau. Chính vì vậy, vừa phát huy được năng lực sản xuất riêng của từng gia đình lại vừa khiến sản phẩm của các hộ sản xuất nơi đây đạt độ tinh xảo cao hơn.
Theo con số thống kê, hiện nay làng Quảng Bố có 50 hộ gia đình với hơn 4000 nhân khẩu thì 80% trong số đó là làm nghề sản xuất cơ khí từ đồng, kim loại và thậm chí là cả từ nhựa. Năm 2011, giá trị sản xuất trong ngành công nghiêp và tiểu thủ công nghiệp của thôn đạt trên100 tỷ đồng. Mỗi năm, tổng giá trị doanh thu này tăng đều từ 30 – 40%, thậm trí có năm đã tăng trên 50% so với kế hoạch đề ra. Có thể điểm danh những Công ty, HTX lớn như: Công ty Long Hải, Công ty Ninh Nam, cơ sở đúc đồng Tiến Hoà, Nam Phong, Mạnh Quyết, Quế Luyện…
Một ngày ở làng Quảng Bố, chứng kiến nhịp sống và không khí lao động sản xuất nơi đây, chúng tôi mới thực sự thấy rõ được sức sống và sự phát triển lớn mạnh cũng như sự thông minh, nhạy bén của người dân ở làng nghề truyền thống này. Làng Quảng Bố sẽ mãi là một địa chỉ tin cậy và định danh với những sản phẩm cơ khí đồng tryuyền thống tinh tế và đa dạng./.
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)
|