Trong tiềm thức văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, người Việt tin rằng, tổ tiên mình là thiêng liêng, dù đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn luôn ở bên cạnh con cháu, luôn sẵn lòng phù hộ cho con cháu khi gặp tai ương, hoạn nạn trong cuộc đời họ luôn mỉm cười khi biết được những niềm vui, những thành quả mà con cháu mình đạt được. Hơn nữa, ông bà tổ tiên vẫn có thể chỉ bảo, quở trách mỗi khi con cháu mình làm những điều tội lỗi, không đúng với đạo lý của gia đình, xã hội… Có thể nói, quan niệm này có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Không gian trưng bày tượng thờ điêu khắc dân gian
|
Tín ngưỡng thờ cúng còn thuộc về đạo lý uống nước nhớ nguồn với tính kế thừa từ đời này sang đời khác của người Việt. Đó là, thông qua việc thờ cúng, con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống; bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thánh, thần đã mang lại mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no cho người dân; các vị vua, anh hùng có công với Tổ quốc đánh đuổi ngoại xâm mang lại hòa bình độc lập cho dân tộc. Ngoài ra, trong các cộng đồng cư dân người Việt, việc thờ cúng còn bắt nguồn từ các tín ngưỡng dân gian như thờ Mẫu, Thổ Công, Ông Táo, Quan Thánh Đế Quân, Linh Sơn Thánh Mẫu…
Ở làng xã theo tín ngưỡng thờ cúng từ bao đời nay người dân mỗi làng đều thờ Thành Hoàng, chủ thể tâm linh của làng đóng vai trò coi giữ, bảo trợ cho dân làng khỏi thiên tai, địch họa. Với những gia đình người Việt theo Phật thì trên bàn thờ, các tượng Phật như: Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát… luôn ở vị trí trang trọng nhất.
Việt Nam là một gia đình lớn với 54 dân tộc anh em và tín ngưỡng thờ cúng mang tính phổ biến trong các cộng đồng tộc người. Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam rất phong phú và đa dạng về đối tượng cũng như không gian thờ phụng. Bộ sưu tập tượng thờ ở Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã tập hợp rất nhiều các loại tượng như: Phật, Bồ Tát thờ trong các ngôi chùa, trong các gia đình theo đạo Phật; thờ Thành Hoàng ở đình làng, thờ vua, thờ các anh hùng có công với tổ quốc với nhân dân trong các ngôi đền, cho đến các nhân vật dã sử. Ngoài ra còn có các tượng trong thờ cúng dân gian như: Thổ Công, Ông Táo, Thủy thần (Long Vương), Diêm Vương, bà Mộc, bà Hỏa, Quan Thánh Đế Quân, Linh Sơn Thánh Mẫu…
Từ tín ngưỡng thờ cúng, các nghệ nhân dân gian đã tạc nên các pho tượng gỗ có tính mỹ thuật mang đậm nét dân gian, đa dạng về loại hình, kiểu dáng, hoa văn trang trí mang tính đặc trưng của từng vùng miền, từng dân tộc. Một số tượng gỗ tròn được thờ tự trong các ngôi chùa Phật giáo Bắc Tông, tượng thờ cúng trong dân gian… Đặc biệt, bộ sưu tập tượng thờ trong điêu khắc dân gian còn có các tượng Phật Khmer Nam Bộ phong phú, đa dạng về loại hình, kiểu dáng, phản ánh một số sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời của đức Phật Thích Ca như: Phật đản sinh, Phật tu khổ hạnh, Phật thiền định, Phật cứu độ chúng sinh, Phật nhập niết bàn…
Có thể nói, bộ sưu tập tượng thờ trong điêu khắc dân gian này mang nhiều giá trị độc đáo, không chỉ giúp người xem hiểu thêm về tín ngưỡng thờ cúng của người Việt mà còn chiêm ngưỡng được những nét đặc sắc của điêu khắc dân gian trên mỗi bức tượng tôn nghiêm./.
(Theo Nguyễn Vũ Thành Đạt
Báo Ảnh Việt Nam
|