Nghề đóng xuồng Long Hậu đã tồn tại hơn 100 năm qua và được xem là một nghề chính, khá hiệu quả của người dân rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hiện xã có 2 ấp Long Hưng II và Long Hòa có 200 hộ dân sinh sống, với 150 hộ dân làm nghề đóng xuồng, ghe. Nghề đóng xuồng, ghe tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình nơi đây, giúp ổn định về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống và giải quyết việc làm của địa phương.
Nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu (xã Long Hậu, Đồng Tháp).
Ảnh: dongthap.gov.vn
|
Theo sử sách ghi lại, phương tiện gắn với cư dân của cha ông ta chủ yếu bằng xuồng, ghe. Xuồng làm phương tiện đi lại, xuồng đánh bắt thuỷ sản, săn bắn thú rừng, xuồng hái củ co, bông súng, gặt lúa trời, xuồng phát hoang lập ấp, dựng làng… Ban đầu việc đóng xuồng, ghe chủ yếu là tự cung tự cấp, gia đình nào tự đóng, tự sắm xuồng, ghe để làm phương tiện sinh hoạt và làm kế sinh nhai về sau cư dân ngày một đông đúc hình thành nên làng xã, nhu cầu xuồng, ghe phục vụ cư dân ngày càng lớn nên làng nghề đóng xuồng, ghe đã ra đời.
Theo truyền thống, truyền nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, thế hệ này nối tiếp thế hệ sau “cầm tay chỉ việc” truyền hết bí quyết, do vậy, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài – Long Hậu luôn có lớp thợ giỏi đầy tự tin, sáng tạo, luôn tìm tòi học hỏi, tìm ra cái hay, cái ưu điểm ở nơi khác để cải tiến cho trại mình đóng những chiếc xuồng, ghe, chắc và đẹp. Nhờ vậy, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài nổi tiếng khắp vùng, nhiều tỉnh, thành Nam Bộ tìm đến đặt hàng mua sản phẩm về sử dụng.
Xuồng, ghe trở thành phương tiện gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, chiến đấu của cư dân vùng sông nước Đồng Tháp từ xưa tới nay. Nó gắn bó với cư dân trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, trở thành tình yêu và nỗi nhớ trong đời sống thường nhật cũng như trong thơ ca hò vè. Nhạc sỹ Xuân Hồng người đã từng gắn bó với quê hương Đồng Tháp trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước, gắn bó với những dòng sông, con rạch, chiếc xuồng, hàng cây, ngọn cỏ và con người Đồng Tháp đã cảm hứng viết nên ca khúc “Chiếc xuồng quê hương”.
Hiện nay, thợ giỏi với tay nghề cao có thể đóng mỗi ngày hai chiếc xuồng loại nhỏ, xuồng trung bình làm 3 chiếc mất 2 ngày. Tiền công mỗi chiếc khoảng 100.000 đồng, trẻ em 14 - 15 tuổi mới vào học nghề mỗi ngày đóng một chiếc (chủ trại trả tiền công 70.000 - 80.000 đồng/ngày). Những người đàn ông phải rèn luyện, học hỏi để trở thành những thợ cưa xẻ gỗ chuyên nghiệp, thành thạo trong việc chọn lựa gỗ, bỏ mực, uốn be, cưa, rọc, bào… Phụ nữ lo việc cơm nước, trét chai, lấp vò; trẻ em nhổ đinh, gom dăm bào, mạt cưa, củi vụn, vỏ cây (vỏ sao, vỏ gáo)…, bán cho khách hàng mua về làm nhang (mạt cưa), nhúm lửa (mạt cưa, dăm bào), chất đốt (củi vụn, vỏ cây).
Trước đây, cụ Phạm Văn Thuông (ông Sáu) khởi sự đóng xuồng ghe ở Bà Đài – Long Hậu, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ tại địa phương và các làng lân cận. Sau này, bước qua thế hệ các đệ tử của ông, nghề này phát triển. Hai loại sản phẩm được ưa chuộng nhất lúc đó là xuồng cui bề hoành 1m đến 1,2m và ghe tam bản hai chèo (còn gọi xuồng chèo) với bề hoành nhỏ và vừa: 1m, 1,2m, 1,4m, 1,6m. Sản phẩm bán rộng rãi trong tỉnh Sa Đéc qua Vĩnh Long, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau. Hiện nay, cụ Phạm Văn Thuông được cư dân nơi này gọi là ông Tổ nghề. Hằng năm, vào ngày 25 tháng 7 âm lịch là ngày giỗ cụ Phạm Văn Thuông. Ngoài lễ giỗ cụ Thuông, người thợ đóng xuồng ghe Bà Đài còn thể hiện các lễ: lễ ghim lô, lễ hạ thủy, lễ khai tâm, lễ điểm nhản và những điều kiêng kỵ.
Nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Do từ lợi ích có giá trị về vật chất và tinh thần mang lại cho người dân địa phương, chính quyền và nhân dân xã Long Hậu cam kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(Theo Báo Tin tức)
|