Tháng 12 mang cái rét về trên miền Tây Bắc Tổ quốc. Chúng tôi vượt quãng đường hơn 250km con đường sương giăng mây phủ, hai bên rợp sắc vàng của hoa dã quỳ đến xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) để được cùng đón Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì nơi ngã ba biên giới.
Trang phục của người Hà Nhì đen. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
|
Người Hà Nhì ăn Tết bắt đầu từ ngày Thìn (con rồng) của tháng 12 dương lịch hằng năm. Năm nay, ngày Thìn rơi vào ngày 11/12 dương lịch. Trước đây, người Hà Nhì ăn Tết cổ truyền trong 5 ngày, còn hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày Thìn.
Ngày đầu tiên, khi sương sớm còn đu mình trên những sợi tơ giăng giăng bên bờ suối Mo Phí, đã nghe tiếng lợn kêu eng éc, tiếng dao băm vào thớt lộc cộc, tiếng trẻ con nô đùa.
Theo con đường đất đi vào bản Tả Kó Khừ, một nhóm thanh niên đang hò dô giữ bốn chân con lợn hơn 1 tạ, cụ già đang trang trí chiếc mũ và quần áo truyền thống của dân tộc cho đứa cháu, lũ trẻ thì chạy loanh quanh, hò nhau dậy sớm chạy ra sân xem người lớn chuẩn bị thịt con vật to béo, đen sì sì nằm phơi bụng thở phì phò trên phản kia.
Không khí Tết tràn ngập khắp các bản làng, nhịp sống trở nên nhộn nhịp hơn, đi đâu cũng thấy những nụ cười rạng rỡ.
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn để đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo của các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60-100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg.
Người Hà Nhi sống quần cư.
(Ảnh: ThanHà/TTXVN)
|
Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà dịp Tết. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. Lợn mổ thịt xong sẽ cắt mỗi thứ một ít, đem luộc chín sắp lên mâm cùng với bát cơm, củ gừng, ba chén để chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên.
Chủ nhà cúng xong sẽ gọi cả gia đình vào quỳ trước bàn thờ cùng khấu đầu lạy tạ. Số thịt lợn còn lại sẽ được bảo quản một phần để ăn lâu dài, một phần được chế biến thành các món ăn mời khách đến thăm chúc tết gia đình.
Sau lễ cúng, các gia đình sắp mâm cỗ mời mọi người cùng nâng ly chúc mừng một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Trong mâm rượu luôn vang lên những lời chúc mừng “chú mừ chú xá, à kha pi pô” – chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe.
Người Hà Nhì sống cởi mở dễ gần và rất coi trọng tình cảm, vì vậy vào những ngày Tết, khách mời của gia đình ngoài những người thân và anh em trong họ, trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết, trong đó có cả người Kinh, người Mông, người Thái.
Mọi người ăn uống, chúc nhau cho đến khi màn đêm buông xuống, tất cả bà con tập trung ra ủy ban xã tham gia chương trình văn nghệ chào đón năm mới. Những bài hát, điệu nhảy, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc được thể hiện bởi các cụ già đến nam thanh nữ tú và các cháu thiếu nhi. Xen lẫn các tiết mục của bà con dân tộc là những tiết mục của các chiến sĩ biên phòng, thầy cô giáo cắm bản và cả những người bạn đến từ Trung Quốc mang đến cho chương trình.
Đến khoảng 22 giờ, mọi người ào xuống sân nhảy sạp xập xình, rồi đốt đống lửa, gõ trống, chiêng và chũm chọe tưng bừng. Trong tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát vang vọng khắp núi rừng. Trai gái cùng nắm tay nhau xòe bên đống lửa sáng ngời cả một vùng trời biên giới. Sau đêm hội văn nghệ, lúc này cũng đã khuya, gần 2 giờ sáng, khi đống lửa chỉ còn lại than hồng, mọi người về nhà chuẩn bị cho một ngày mới của năm mới.
Khoảng 5 giờ sáng, khi màn đêm còn chưa tan, đã nghe thấy tiếng giã bánh dày đã thậm thịch đánh thức bình minh cả bản. Tết cổ truyền của người Hà Nhì chẳng thể thiếu bánh dày. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng rang thơm nức, giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà.
Mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà sẽ nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Trong ngày này, ngoài việc giã bánh dày, các gia đình tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc Tết nhau. Đàn ông nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, các bà các chị say sưa với những câu hát dân ca, điệu múa nón truyền thống. Còn các em nhỏ mải mê với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Tất cả tạo nên bức tranh tết nhộn nhịp vui tươi đầy màu sắc.
Ngày tết thứ ba cũng là ngày cuối cùng, các gia đình vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào chúc Tết, không khí vui tươi của ngày Tết vẫn không hề giảm, những canh hát trao duyên còn dở dang, những điệu múa còn chưa đến hồi kết. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, các hoạt động mới thưa dần, mọi người chở về nhà nghỉ ngơi sau những ngày đón Tết, họ không quên hẹn hò nhau đến tết sau lại cùng vui hát múa. Ăn trọn vẹn cái Tết của người Hà Nhì mới thấy hết tài chế biến của người phụ nữ nơi đây.
Họ có thể làm thuần thục vài chục món ăn rất ngon chỉ từ nguyên liệu là thịt lợn, mà mỗi món có hương vị và cách kết hợp chế biến khác nhau. Gạo tẻ nương chỉ xát một lần nên vẫn giữ được những vệt đỏ, chần gạo qua nước sôi cho nở ra trước khi đưa vào thố hấp vì thế cơm ăn dẻo, ngọt và thơm.
Chia tay bà con Hà Nhì sau những ngày Tết đáng nhớ, chúng tôi thấy lòng mình như được sưởi ấm giữa cái rét của mùa đông nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc./.
Xuân Tư (TTXVN)
|