Đồng bào Lô Lô quan niệm : “Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn”, vì vậy nên lễ cúng tổ tiên có ý nghĩa rất quan trọng với họ.
Quan niệm tâm linh
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Lô Lô tin rằng con người có hai phần: phần xác và phần hồn. Phần thể xác là cuộc sống nơi trần gian và mang tính tạm thời, ngược lại phần hồn lại thuộc cõi vĩnh hằng. Theo quan niệm của họ, khi trong nhà có người thân mất đi thì người đó sẽ thuộc về thế giới khác và nó tác động đến cả đời sống tinh thần lẫn vật chất của con cháu trên nhân gian. Chính vì vậy hàng năm con cháu và những người thân thuộc thường tổ chức lễ cúng tổ tiên để tưởng nhớ đến những người đã khuất và bày tỏ tấm lòng thành kính biết ơn của con cháu.
Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ ba đến bốn năm, người con trưởng trong gia đình mới có quyền lập bàn thờ tổ tiên (Duy Khế). Việc lập Duy Khế phải được tiến hành tuần tự theo các nghi thức bắt buộc. Đầu tiên một người trong dòng họ đi chặt cây xa mộc, một loại cây sống ở độ cao trên 600 mét so với mặt biển về làm con bài hay còn gọi là làm hình nhân, người đã khuất rước lên bàn thờ sẽ được tượng trưng bởi những bài vị hình nhân ấy.
Để chuẩn bị cho buổi lễ, một số đàn ông trong đội múa hóa trang toàn thân và đeo mặt nạ làm bằng vỏ cây “ka trê” (chỉa lung ao). Xưa kia, khi mặc loại áo này, người ta phải vào rừng sâu không để ai trông thấy. Đồng bào tin rằng nếu những người hóa trang bị lộ thì xóm làng sẽ gặp điều không may như: mất mùa, dịch bệnh. Kiểu mặc trang phục này mang ý nghĩa tưởng nhớ đến thời nguyên thủy ông bà tổ tiên phải mặc áo lá cây sống ở trong núi.
Lễ hiến tế tổ tiên
Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng (phíu khí), đèn dầu, đôi trống đồng. Thầy cúng trưởng (Vàng Dích Quỷ) thực hiện bài cúng trước sự chứng kiến của cả cộng đồng. Lời khấn có đại ý là: Thưa ông bà tổ tiên, hôm nay ngày 14 tháng 7, theo truyền thống con cháu tổ chức lễ đền ơn đáp nghĩa với tổ tiên, xin dâng tổ tiên đôi cánh để tổ tiên có thể bay trong cõi thiêng liêng…
Lúc này đoàn múa đang thực hiện nghi thức múa lễ, theo nhịp trống đồng, bước chân của các cô gái, chàng trai khi tiến, khi lùi, lúc lại nhún xuống thật mềm mại, sự thay đổi của tiết điệu trống dẫn đến sự thay đổi vũ đạo của đội múa nghi lễ. Trong vòng xoay của điệu thức cùng với tiếng kêu leng keng của những chiếc chuông nhỏ, không chỉ các chàng trai, cô gái say trong điệu múa mà những người tham dự cũng như lạc vào không gian huyền ảo đê mê.
Lễ tưởng nhớ tổ tiên
Nghi lễ này tuy đơn giản song nó hàm chứa quan niệm và tín ngưỡng dân gian truyền thống từ bao đời của dân tộc Lô Lô, đó là tấm lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, không bao giờ quên tổ tiên cội nguồn dân tộc, con cháu vẫn luôn nhớ tới thời xa xưa, nguyên thủy mặc áo lá cây, ăn ở trong núi. Các điệu múa lại được thực hiện một lần nữa theo nhịp trống đồng, cũng có khi động tác múa chỉ đơn giản là những bước chân đi vòng tròn, hai nhịp tay chụm vào rồi lại giãn ra. Nhưng hơn hết là sự cộng cảm, hòa đồng và sự hưng phấn của cả cộng đồng.
Sống ở núi đá tai bèo, ngô là cây lương thực chủ yếu của dân tộc Mông và Lô Lô vì thế mèn mén và rượu ngô là hai món chính của cư dân nơi đây. Rượu ngô được dùng trong sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là trong các dịp lễ, dịp hội hè.
Trong dịp này rượu ngô là thức uống chủ yếu của người dân, mọi người cùng nhau quây quần bên mâm vui, các gia đình luôn no đủ và yên ấm.
Lễ tiễn đưa tổ tiên
Khi ăn cơm, mọi người cùng nhau nâng chén rượu và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng mong làng bản yên lành khi màn đêm buông xuống. Nghi lễ được bắt đầu trong tiếng trống đồng, giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng...”. Buổi lễ dần đi vào kết thúc, ngọn lửa đang tàn, mọi người ra về trong niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên biết đến tấm lòng của con cháu, tổ tiên sẽ luôn phù hộ cho gia đình, cho làng bản.
Lễ tế tổ tiên của người Lô Lô được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch và kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau. Tuy buổi lễ chỉ diễn ra trong một ngày, một đêm và trong phạm vi từng gia đình nhưng thời gian chuẩn bị cho buổi lễ lại được thực hiện từ nhiều ngày trước đó và có sự tham gia đóng góp của cả cộng đồng.
|
(Theo langvietonline.vn)
|