Dân tộc Thái tại Thanh Hóa có nhiều nét độc đáo, mang bản sắc riêng của người Thái xứ Thanh. Trong rất nhiều nét đẹp đó có tục làm vía, ngoài ý nghĩa tâm linh còn mang một ý nghĩa hết sức to lớn, đó là mang tính cố kết cộng đồng.
Tục làm vía không chỉ ở người Thái xứ Thanh mới có mà có ở rất nhiều vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam, trong đó có người Kinh. Tuy vậy, mỗi nơi tục làm vía mỗi khác và tục làm vía của người Thái cũng vậy, đậm chất bản sắc người Thái xứ Thanh.
Tục làm vía làm cho người Thái xứ Thanh đoàn kết hơn.
|
Vật quan trọng để làm vía là chiếc áo, đây là vật dùng để gọi vía cho người được làm vía. Tục làm vía diễn ra ít nhất hai lần trong đời người, lúc sinh ra và lúc mất đi, đó là hai lần không thể thiếu. Ngoài ra còn làm vía khi bị bệnh nặng, đi xa về, làm vía cho người mẹ khi sinh, làm vía cho người khi bị tai nạn.
Vía trong tiếng Thái là “khoắn” (hồn vía) và “làm vía” hay “gọi vía” (họng khoắn), làm vía thực chất là gọi vía. Ý nghĩa tâm linh của tục lệ này là: Đối với đứa bé sau khi sinh được ba ngày, làm vía để báo với ông bà, tổ tiên về sự hiện diện của một thành viên mới. Đối với người đi xa về, làm vía để gọi hồn còn lưu lạc xứ người, chưa hợp nhất vào thể xác hoàn toàn trên quê hương mình.
Làm vía với cô gái đi lấy chồng được gia đình cô gái gọi vía để chúc mừng và tiễn sang nhà chồng. Làm vía cho người vừa chết đi, để gọi hồn người ấy về với ông bà tổ tiên, chứ đừng lưu lạc thập phương, mà luôn ở bên những người nhà của mình, ban phúc cho những người còn sống. Mỗi lần làm vía, là mỗi lần anh em, bà con lối xóm được tụ họp lại với nhau.
Chính vì vậy, qua buổi làm vía, anh em tronh nhà được đồng thuận hơn, bà con lối xóm biết để quan tâm nhiều hơn. Thiết nghĩ, ngoài nét tâm linh độc đáo như đã nói trên thì tục làm vía còn mang một ý nghĩa lớn lao, đó là cấu kết cộng đồng lại với nhau. Đó là nét đẹp lâu bền của dân tộc Việt Nam mà chúng ta được thừa hưởng lại được từ cha ông./.
(Theo langvietonline.vn)
|