Dân Việt - Trong dân gian Sóc Trăng quan niệm rằng: Đứa trẻ được sinh ra là do các Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bà Mụ nặn ra ban cho. Vì vậy, khi đứa trẻ sanh ra được 3 ngày, ông bà, hoặc cha mẹ đứa bé sẽ làm lễ đặt tên cho cháu.
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hữu ngạn Hậu giang, trên trục giao thông nối liền Cà Mau với thành phố Hồ Chí Minh. Phía Bắc và Tây Bắc giáp với Hậu Giang, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông Bắc giáp Vĩnh Long và Trà Vinh, phía Đông và Đông Nam giáp biển 72 km.
Mâm cúng thôi nôi
Là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, địa hình của Sóc Trăng khá bằng phẳng, phần lớn là vùng đất liền, phần nhỏ còn lại kẹp giữa hai nhánh sông Hậu là một dải cù lao với diện tích hàng trăm km2. Địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo với độ cao trung bình từ 0,5 đến 1,0 m so với mực nước biển. Hướng dốc chính của địa hình từ 3 phía là sông Hậu, biển Đông và kênh Quản Lộ thấp dần vào trung tâm. Do địa hình lòng chảo nên khu vực thấp nhất ở phía Nam huyện Mỹ Tú và Thạnh Trị khó thoát nước, bị ngập úng kéo dài, …
Vùng đất này, sông ngòi chằng chịt, hai bên bờ, lá dừa nước mọc um tùm, cùng với nó là ô rô, cóc kèn, choại, ráng, … Trong vườn, ngoài ruộng thì trâm bầm, mù u, bình bát, bần, tràm, tre trúc, … mọc đầy mất cả lối đi. Dân cư ở thành xóm dọc ven sông rạch. Gắn liền với đời sống, sinh hoạt họ cũng có những nét phong tục hết sức độc đáo. Chúng tôi khảo sát qua thực tế dân gian và miêu tả lại các nghi thức trong lễ cũng thôi nôi, đầy tháng của người bình dân miệt dất này.
Cúng mừng đầy tháng, đặt tên cho bé
Ở miền quê Sóc Trăng người ta không tổ chức nghi lễ rình rang mà chỉ nấu nồi chè rồi dọn lên bàn thờ cúng trình Từ đường, tiên tổ (tất nhiên cũng dọn cúng trên cả các bàn thờ Phật, thông Thiên, Thổ thần, Thổ địa, …), cùng với hoa, nước trà,… Vái cúng xong, đợi nhang cháy tàn nửa cây là dọn chè ra để người nhà cùng ăn. Do tổ chức đơn giản nên khách mời chỉ là bà con thân tình nội ngoại của đứa bé mà thôi.
Dân gian đặt tên con rất đa dạng, mỗi đứa trẻ vùng đất thường được có một tên đầy đủ (cả họ, cả chữ lót – tức tên đệm), họ thì láy theo họ cha, chữ lót thì thích gì đặt nấy (không giống như các chi trong họ tộc ngoài một số vùng miền Bắc Bộ), ví dụ: Nguyễn Văn Thanh, nếu thấy không hay chưa “kêu” thì gọi Nguyễn Hoài Thanh cũng được, ngoài ra còn có thể có một cái tên khác để kêu hàng ngày. Ví dụ: thằng Cu, thằng Nhóc, Heo Con, Cún con, …Tên để gọi hàng ngày thường là tên các con vật, đồ vật, nghe thì xấu nhưng ẩn chứa nét “dễ thương” do nội hàm của tên gọi mang đến.
Cúng đầy tháng
Người Tây Nam bộ nói chung và người Sóc Trăng nói riêng đứa con đầu lòng lúc nào cũng là thứ hai (không có cả), vấn đề này theo tìm hiểu của chúng tôi có hai giải thuyết được đưa ra: một là, người ta cho rằng dân gian Tây Nam Bộ kiêng húy Cả (hoàng thái tử của vua Gia Long, ngày ngài còn tẩu quốc lánh nạn Tây Sơn), hai là người ta tin rằng đứa con cả là đứa con trong tưởng tượng, nó đã đi khỏi nhà làm thảo khấu từ trước khi có các em nó, (có lẽ tin như vậy để các đứa con thực sự sau dễ nuôi chăng?).
Ngày đứa con này trở về cướp hòm vàng thì gặp ngay quan tài cha (hoặc mẹ) nó, điều này gắn liền với chuyện Nhưng quan phá quàng trong phần lễ tang của người Việt (chúng tôi sẽ đề cập vào dịp khác). Từ đó, dân gian thường đặt tên con theo thứ: ví dụ con Hai, thằng Ba, con Tư, con Năm, thằng Út, …
Đặt theo năm sinh: Hai Sửu, Ba Mẹo, Năm Thìn, Bảy Hợi, …
Mâm cúng
Có khi lấy địa danh nơi đứa bé sanh ra để làm tên gọi: Lê Mỹ Quới (Mỹ Quới là tên xã), Bùi Thạnh Trị (Thạnh Trị là tên huyện, …)
Dựa vào đặc điểm, khiếm khuyết trên cơ thể: Tư Bớt, Năm Cụt, Út Mù
Một số đặc điểm khác: Hai Rớt (bị mẹ đẻ Rớt), Út Lọ (mặt mày đen như … lọ)
Đặt theo tên cha, hoặc tên các anh em cho liền thành một trường nghĩa:
Trường nghĩa mạnh mẽ, oai dũng: cha tên Hùng, đặt tên con là Dũng, Kiên, Cường,
Trường nghĩa chỉ vật dụng: Phảng, Dao, Xẻng, Liềm, …
Thể hiện sự thật thà, giản dị: cha tên Chơn thì con là Hai Chất, Ba Thiệt, Tư Thà, …,
Trường nghĩa các loài hoa: mẹ tên Lan con gái gọi Huệ, Cúc, Mai, …
Trường nghĩa an lạc, giàu sang: An, Bình, Phú, Quý, …
Đám đầy tháng
Khi đứa trẻ được 30 ngày cha mẹ, ông bà sẽ tổ chức cúng đầy tháng cho bé, theo quan niệm gái sụt hai, trai trồi một nghĩa là từ ngày sanh cộng thêm một ngày nữa là ngày đầy tháng của bé trai, còn bé gái nói là đầy tháng nhưng thực ra chỉ mới … 28 ngày.
Trước một ngày tới đám, hai bên nội ngoại tập trung lại chuẩn bị nấu chè, xôi làm vài ba con vịt, gà để cúng đầy tháng. Nếu là bé trai thì nấu chè đậu trắng, bé gái thì nấu chè trôi nước (theo quan niệm dân gian như vậy bé mới … có duyên, vừa trắng vừa tròn – như Hồ Xuân Hương đã bày tỏ trong bài thơ Bánh trôi nước chăng?)
Sáng ngày được chọn cúng đấy tháng cho bé, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống dùng để chiêu đãi khách, cha mẹ cháu còn chuẩn bị mâm lễ vật cúng kính 12 Mụ bà:
(Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sanh) - Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chuyển sanh) - Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai) - Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.- Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)- Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sanh) - Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)- Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)- Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)- Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)- Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)- Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ).
Mâm cúng gồm 12 chén chè, 3 tô chè, 3 đĩa xôi. Mâm cúng kính 3 Đức ông: Thánh sư, Tổ sư và Tiên sư có chức năng truyền dạy nghề nghiệp (không phải 13 đức thầy), gồm con vịt tréo cánh được luộc chín, trên miệng vịt thường được vắt một bông dại (bông giấy, bông bụp, …), 3 chén cháo và 1 tô cháo, bình bông, mấy hình “con cọp” trên giấy, (sau khi khi cúng vái xong, hình cọp được đem dán ngay cửa buồng của bé, ...
Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là "bắt miếng". Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:
Thử đoán hậu vận cho trẻ.
Mở miệng ra cho có bông, có hoa/ Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ/ Mở miệng ra cho có bạc, có tiền/ Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến, ...
Lễ cúng vừa diễn ra thì mẹ của bé ẵm cháu ra để một người nào đó trong thân tộc, khéo tay dùng kéo hớt sạch tóc, chỉ chừa một chỏm trên đỉnh đầu (gọi là cắt tóc máu). Nghi thức này nhằm để cho tóc bé sau đó mọc mau hơn, dày hơn, và hoàn toàn “sạch sẽ”, xua đi sự yếu ớt, đem lại sự mạnh mẽ hơn.
Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.
Lễ xong, mọi người cùng ăn chè, nhâm nhi vài ba chung rượu đế chia vui cùng cha mẹ của cháu bé.
Cúng thôi nôi
Đứa trẻ tròn tuổi người ta sẽ tổ chức “ăn thôi nôi”. Từ thôi trong dân gian có nghĩa là dừng lại, bỏ đi và từ nôi là cái nôi, cái giường nhỏ để đong đưa trẻ chưa tròn năm, vì vậy cụm từ thôi nôi có nghĩa là bỏ cái nôi, không nằm trong giường nhỏ bé nữa mà chuyển sang nằm giường lớn. Đánh dấu một sự phát triển của bé.
Đến ngày làm đám thôi nôi, ngoài lễ vật chè - xôi, vịt luộc cúng Mụ bà - Đức ông như trong lễ đầy tháng, nhiều nhà khá giả còn có quay con heo hai ba chục kí để cúng đất đai thổ địa, ... Mâm cúng có heo quay được bày ngoài sân, đầu heo hướng ra ngoài, dọn thêm 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng heo luộc chín, rau sống, nhang, đèn, rượu, trà, hoa quả, trên lưng heo quay cắm một con dao bén.
Trong nhà, bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng cửu huyền thất tổ và mâm cúng ông bà quá vãng (bao nhiêu bàn thờ, bấy nhiêu mâm cúng). Lễ vật là những thức ăn chín phù hợp với tập quán mỗi địa phương. Kế bên (trên bộ ván hoặc bộ vạt) bày 12 chén chè, xôi; con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tộ cháo cúng 12 Mụ bà và 3 Đức ông.
Kết thúc lễ cúng người ta thực hiện nghi thức “đoán hậu vận” cháu bé bằng cách bày những vật dụng như: gương, lược, viết, tập sách, nắm xôi, tiền, kéo, con trâu bằng đất, ... trên cái mâm. Sau đó, đặt cháu bé ăn mặc bảnh bao ngồi trước mâm đó, đứa trẻ sẽ đưa tay tự chọn lựa các vật dụng. Vật nào được cháu chọn trước (cầm trước) dân gian tin tưởng đó là sự chọn lựa của cháu về nghề nghiệp tương lai cho mình.
Sau khi kết thúc nghi thức ấy, khách mời thực hiện nghi thức chúc mừng và lì xì cho cháu bé rồi cùng ăn, nhậu vui vẻ.
Việc tổ chức mừng cho đứa trẻ sinh ra hòa nhập với thế giới con người và sống khỏe mạnh sau 30 ngày thì còn gọi đầy tháng, hay tròn một năm đầu đời thì được gọi là thôi nôi và sau nầy cứ ba năm, người ta lại tổ chức lễ cúng lớn mừng cho trẻ (dân gian không thực hiện lễ sinh nhật hàng năm).
Các nghi lễ đầy tháng, thôi nôi, vừa thể hiện ước nguyện cho đứa trẻ ăn ngoan, chóng lớn, ngoan hiền, lễ phép, học giỏi, … vừa để mọi người mừng một thành viên chào đời và khẳng định sự có mặt của cháu bé trong cõi đời từ đó.
Hai Miệt Vườn - Dân Việt
|