Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào K’ho có một lễ hội khá độc đáo, đem lại nhiều niềm vui, sự sảng khoái và tăng thêm sự giao lưu, tình đoàn kết cho mọi người trong buôn làng mình cũng như buôn làng khác, đó là lễ kết bạn.
Từ xa xưa, trong tâm thức của cộng đồng người K’ho đều tin rằng cuộc sống của họ đều do các vị thần linh cai quản, đó là những vị thần mang lại lợi ích thiết thực nhất cho cuộc sống như: Thần lúa, thần bắp, thần cây, thần rừng... Là một bộ phận của cư dân nông nghiệp lại có quan niệm “vạn vật hữu linh” nên trong đời sống của người K’ho có rất nhiều nghi lễ và lễ hội trong năm như: Nghi lễ nông nghiệp, lễ mừng lúa mới, lễ mừng lúa trổ bông, lễ đặt tên...
Chung vui bên chóe rượu cần
|
Lễ kết bạn của người K’ho được diễn ra vào thời gian rảnh rỗi của bà con và có sự thống nhất giữa các buôn làng tham gia lễ hội nên không có thời gian cố định. Để lễ hội được diễn ra tốt đẹp thì già làng của các buôn cùng những người có uy tín trong cộng đồng xã hội cùng nhau bàn bạc chọn thời điểm tổ chức cũng như bàn tính các công việc chuẩn bị cho ngày lễ, phân công công việc cho từng người tham gia.
Trong lễ hội kết bạn của người K’ho cũng có nghi lễ đâm trâu, trâu được chọn phải được tắm rửa sạch sẽ từ hôm trước và được cột vào cây nêu giữa làng, người đâm trâu cũng phải là thanh niên có sức khỏe, giết trâu xong họ cắt đầu trâu, lấy những miếng thịt trâu ngon nhất và bộ lòng bày ra mâm để cúng thần linh với mục đích mời thần linh về dự lễ, cũng nhằm cầu mong Yàng ban cho lễ hội diễn ra thành công, mọi người thêm gần gũi, chia sẻ với nhau những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống.
Xung quanh khu vực lễ hội, diễn ra rất nhiều trò chơi dân gian như: Đua cà kheo, kéo co, leo cột mỡ... rất thú vị đã thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo đồng bào, họ là những cổ động viên rất hào hứng tạo nên sự sôi động, phấn khởi cho lễ hội.
Vui cùng điệu múa dân gian truyền thống
|
Đặc biệt, nhằm tăng cường sự giao lưu giữa các buôn làng người K’ho với nhau thì trong lễ hội không thể thiếu những cuộc thi hát đối đáp của các chàng trai, cô gái miền sơn cước, không chỉ là thi thố tài năng, khoe những điệu hát cổ truyền, khoe những giọng ca hay của làng mình mà thông qua những lời ca tiếng hát đó đã khiến cho nhiều chàng trai, cô gái chọn được những “người bạn” tâm đầu ý hợp với mình.
Nếu như ban ngày là thời gian thích hợp để tổ chức những trò chơi dân gian thì khi mặt trời đã xuống núi, những đống củi khô được chất cao đầy sân, những ánh lửa bập bùng xua đi cái lạnh của rừng núi, chỉ còn nghe thấy tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang khắp buôn làng, tiếng hát xen lẫn tiếng cười rộn ràng của mọi người. Khi đã lâng lâng men rượu cần, từ các cụ già đến các nam thanh nữ tú đều tay trong tay xoay quanh đống lửa, cùng múa những điệu múa dân gian truyền thống và hát những bài dân ca cổ....
Lễ kết bạn thường được diễn ra từ hai đến ba ngày, sau đó mọi người cùng nhau dọn dẹp vệ sinh và trở về nhà tiếp tục lao động, tiếp tục các công việc thường ngày. Lễ hội thực sự là dịp để đồng bào cùng tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đã đem lại nhiều niềm vui, hữu ích trong đời sống của người K’ho. Sau lễ hội mọi người càng thêm yêu thương, gắn bó, đoàn kết hơn, sự công bằng bác ái trong xã hội được tăng lên, sự gắn bó, thống nhất giữa các buôn làng càng thêm khăng khít.
(Theo Làng Việt)
|