Trong đời sống và tâm linh, người Cơtu vùng núi Quảng Nam luôn xem chim Tring là loài chim gần gũi, "linh thiêng". Và loài chim này, từ lâu đã trở thành biểu tượng để người Cơtu trang trí trong ngôi nhà Gươl truyền thống.
Trong nghệ thuật của người Cơtu nói chung và trang trí cho Gươl truyền thống nói riêng nhìn chung mô típ loại chim trinh này khá nổi bật. Trên hai đầu nóc của Gươl (dh’rượp tr’văng) chúng được khắc thành đôi trong tư thế giao hoan với thân và đuôi hòa thành một, con trống cưỡi trên con mái, đầu hướng vào bên trong.
Phía trên đôi chim Tring có hình tượng trăng sao, tượng trưng cho vũ trụ trong trạng thái thanh bình. Điều này còn thể hiện trên hai mặt cắt của hai đầu hồi ghép thành hình bán nguyệt. Giữa chim Tring và trăng sao có hàng chông vươn lên trời mang ý nghĩa bảo vệ. Giữa hai dh’rượp tr’văng trên nóc nhà có vài cặp gỗ hình sừng trâu, thanh kiếm đan chéo vào nhau vươn lên nền trời, tượng trưng cho vũ khí bảo vệ dân làng trước thế lực thiên nhiên.
Ở một số Gươl của người Cơtu vùng cao huyện Tây Giang, chúng ta cũng bắt gặp trên nóc hình tượng rau dớn tượng trưng cho sự no đủ, phát triển của cộng đồng.
Hình ảnh chim Tring trang trí ở trên cây nêu của cột đâm trâu(xơnur) của người Cơtu vùng núi Quảng Nam
|
Trên cây nêu của cột đâm trâu (xơnur) hay cây cột cái của Gươl (r’măng), cổng làng, nhà mồ... hình ảnh con chim Tring cũng được thể hiện đối xứng.
Người Cơtu Quan niệm, khắc hình chim Tring để thể hiện cái đẹp và cái thiêng liêng của ngôi nhà làng truyền thống(Gươl), đến nhà mồ... để Thần lúa vui lòng vì chính chim tring là sứ giả của Thần lúa hướng dẫn người Cơtu tìm đất mới để canh tác và lập làng.
Hình ảnh chim trinh trang trí ở ngôi nhà làng truyền thống(Gươl) của người Cơtu vùng núi Quảng Nam
|
Hình chim Tring thể hiện sự gắn bó, cố kết của làng Cơtu; mong muốn phồn thực và cuộc sống hạnh phúc với sự gắn bó, tình chung thủy vợ chồng, ước muốn phát triển mạnh mẽ và tồn tại lâu dài của con người, vật nuôi.
Hình ảnh chim Tring trang trí ở ngôi nhà mồ tại Khu làng truyền thống của người Cơtu huyện Tây Giang (Quảng Nam)
|
Đối với người Cơtu, luôn xem hình tượng chim Tring trang trí trên Gươl, trên cột đâm trâu, nhà mồ hay cột cái Gươl là một sản phẩm nghệ thuật, đây là nguồn cảm hứng để các nghệ nhân sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo, góp phần làm giàu di sản văn hóa của dân tộc Cơtu ở miền núi Quảng Nam.
(Theo Dân Việt )
|