Người Giẻ Triêng là một dân tộc thiểu số sống tập trung ở phía Bắc tỉnh Kon Tum. Tộc người này cư trú chủ yếu ở vùng núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế tự túc, tự cấp là chủ yếu. Vì vậy, người Giẻ Triêng vẫn giữ được những nét văn hoá hết sức độc đáo, đặc biệt là các nghi lễ trong hôn nhân.
Trong hôn nhân, người Giẻ Triêng cấm kết hôn với người cùng dòng họ nhưng ý thức lấy vợ lấy chồng lại rất sớm. Trước đây, tuổi kết hôn của tộc người này từ 15 - 16 tuổi. Hôn nhân chủ yếu do bố mẹ “đặt đâu con ngồi đấy” và vẫn yêu cầu “môn đăng hậu đối”. Đôi trai gái khi yêu nhau, nếu được bố mẹ đồng ý thì hai gia đình chuẩn bị lễ cưới. Lễ cưới phải giữ bí mật với người ngoài. Theo phong tục thì lễ đính hôn được tổ chức bất ngờ bao nhiêu thì đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc bấy nhiêu. Tuy nhiên, hiện nay lớp trẻ có phần chủ động hơn trong hôn nhân của mình.
Trong hôn nhân của người Giẻ Triêng có hai tập tục hết sức độc đáo đó là bó củi hứa hôn và trao vòng cầu hôn.
Ngoài các tiêu chuẩn phải biết đan chiếu, dệt vải, các cô gái còn phải chuẩn bị cho mình các bó củi hứa hôn. Đây là việc làm rất quan trọng mà các bà mẹ thường dạy con gái.
Trước đây quy định là 100 bó, mỗi bó phải một người vác nặng thì cô gái mới bắt được chồng. Đây là loại củi dài khoảng 80cm, thẳng đẹp, cháy phải đượm. Khi chặt cây, các cô phải dùng dao sắc để chặt . Điều này chứng tỏ cô gái có sức khoẻ và khéo léo. Để có đủ số củi quy định các cô gái phải chuẩn bị củi trong khoảng từ hai đến ba năm. Ngày nay, củi được chẻ từ các cây gỗ to và bó thành từng bó, xếp lại trông rất đẹp mắt. Trong trường hợp không chuẩn bị kịp thì có thể nhờ các bạn gái trong làng giúp đỡ.
Đối với cư dân Giẻ Triêng, việc trao vòng cầu hôn là hình ảnh hết sức tuyệt vời trong lễ cưới. Những chiếc vòng đó có thể là bạc, đồng... nhưng được bàn tay khéo léo của các chàng trai, cô gái mài dũa, chạm khắc công phu. Chiếc vòng không có ý nghĩa về mặt vật chất nhưng trong nghi lễ hôn nhân thì đó là vật hết sức thiêng liêng. Chiếc vòng là cầu nối tình cảm, là lời hứa trăm năm hạnh phúc của đôi vợ chồng. Chiếc vòng được nâng niu, trân trọng như một bảo vật thiêng liêng.
Các cô dâu, chú rể thường xuyên đeo ở tay mình như có ý ngầm nói với mọi người rằng: “đây là trai đã có vợ và gái đã có chồng”. Một khi đã trao vòng cho nhau, là con trai, con gái đã gửi gắm và phó thác cuộc đời mình và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc trăm năm. Chính vì lẽ đó mà ở người Giẻ Triêng hiếm khi có những trường hợp ly hôn.
Dương Thuỷ(theo hoilhpn.org.vn)