Dân Việt - Hết lớp 8, Đỗ Ngọc Bảo đã buộc phải nghỉ học vì nhà quá nghèo và bươn chải kiếm sống trên mảnh đất Kon Tum (nay là TP.Kon Tum) cùng gia đình.
Năm 22 tuổi, trong một lần “lang thang” ngoài bờ sông Đăk Bla, nhặt được 2 khúc gỗ bị con nước dạt vào, Bảo đem về nhà và chỉ bằng con rựa cùn với cây sắt đập dẹt, anh đã gọt đẽo thành 2 bức tượng con nai. Hai bức tượng đó, Bảo đem bán được 60.000 đồng. Thấy tượng bán được tiền, Bảo tiếp tục ra sông tìm kiếm những khúc gỗ mục trôi dạt về lấy phần lõi bên trong. Trong vòng một tháng, Bảo tiếp tục đẽo được 7 bức tượng về cuộc sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên. Những bức tượng này Bảo đem bán được 300.000 đồng…
Đỗ Ngọc Bảo và những bức tượng về đề tài Tây Nguyên.
Bảo không thể ngờ được rằng năng khiếu của anh đã được khách hàng đánh giá qua những gì anh nghĩ, thể hiện qua các sản phẩm của mình. Có một người Thái gốc Việt đến đặt hàng anh mỗi lần vài chục tượng. Chỉ trong năm 2009, anh đã tạc được 45 bức tượng lớn, nhỏ khác nhau như “đi côn” (vác cuốc, rựa đi rẫy), “săn bắt”, “gùi củi”, “giã gạo”, “tắm cho con”, “lễ hội”, “uống rượu cần”, “mừng nhà rông”.... Suốt 16 năm trời theo đuổi đam mê văn hóa Tây Nguyên, Đỗ Ngọc Bảo đã sáng tạo gần 1.000 bức tượng lớn nhỏ, phản ánh những nét văn hóa, lao động, sinh hoạt của người Tây Nguyên.
Hiểu được giá trị của cái đẹp trong đời sống của đồng bào dân tộc, Bảo đã có một việc làm rất đáng trân trọng- anh đem “tay nghề” của mình dạy cho các em thiếu nhi dân tộc ở làng Kon Klor. Đáng tiếc là anh đã không thành công. “Có lẽ các em chưa đủ sức để hiểu được những giá trị quý báu của văn hóa cha ông. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là truyền nghề lại cho thế hệ mai sau nhưng không có ai đam mê cả” - Bảo buồn bã nói.
Mặc dù chưa có bất cứ một cơ quan chuyên môn nào đánh giá về tính nghệ thuật các bức tượng của Đỗ Ngọc Bảo, nhưng thành quả lao động của anh thật đáng trân trọng. Với sự đam mê văn hóa dân gian Tây Nguyên ấy, tin rằng sẽ đến một ngày Bảo không còn là “nhà điêu khắc tay ngang” như mọi người hôm nay vẫn nghĩ…
Dương Đức Nhuận - Dân Việt
|