Đã là người Việt Nam, ai cũng quen thuộc với hạt gạo trắng ngần, biểu tượng gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Gạo cho ta bữa cơm đầm ấm, gạo cũng biến hóa muôn kiểu dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ để trở thành những món ăn vừa ngon, vừa lạ gắn bó suốt tuổi thơ mỗi đời người.
Biến hóa của hương vị
Ngày còn thơ, được ngồi coi mẹ làm các món bánh, tiếp mẹ chụm củi, múc nước là niềm vui nhất của chị em tôi. Nhưng háo hức nhất là đợi những thành phẩm làm ra với muôn màu sắc, mùi vị ngon tuyệt. Ở quê, chợ rất xa nên ngày mưa, đường lầy lội, mẹ nghĩ ra cách lấy bột đổ bánh xèo, bánh khọt, hái rau trong vườn “đãi” cả nhà. Từ kiểu chế biến đơn giản để ăn chơi đến những món cầu kỳ “đặc biệt” đã theo quang gánh của mẹ đi khắp nơi, trở thành kế sinh nhai của cả gia đình, gạo biến thành xôi, bánh, chè đủ màu, đủ vị. Trong mỗi loại, mẹ lại có nhiều “công thức” tạo ra những món với tên gọi mới, hương vị độc đáo hơn.
Gạo làm bánh tráng
|
Thường thì sau mỗi vụ thu hoạch, mỗi nhà ở quê tôi đều chừa riêng một phần lúa để xay gạo làm bánh khọt, bánh tráng, bánh bò, bánh canh, bánh xèo… để ăn mừng mùa màng được như ý. Gạo hòa với nước có màu trắng sữa, nhồi kỹ rồi đem xắt thành sợi bằng dây găng cột hai đầu bằng thanh tre nhỏ. Bột chín dai, cho thịt và rắc chút hành, tiêu vào sẽ thành món bánh canh mặn hoặc nấu chung với đường thốt nốt, chan chút nước cốt dừa thì thành bánh canh ngọt. Gạo pha loãng, điểm thêm bột nghệ có màu vàng tươi, đổ khuôn hay tráng mỏng trên chảo nóng thành bánh khọt, bánh xèo. Gạo lại nấu với nước cốt lá dứa, ép qua khuôn, ăn với nước đường thắng và nước cốt dừa trở thành món bánh lọt ngon mát ngày hè.
Khi đã trở thành món ưa thích của nhiều người, các bà nội trợ tự nâng tay nghề, sáng tạo và thêm thắt gia vị để gạo làm ra những món bánh, chè đem bán. Từ bánh đúc, bánh tằm, bánh canh, bánh tráng, cho đến bún, bánh xèo, bánh cống, bánh kẹp, gạo kết hợp với những món đặc sản khác như làm bột chiên, tăng thêm hấp dẫn cho các món ăn. Hương vị của gạo đã trở thành một nét đặc trưng lôi cuốn trong văn hóa ẩm thực đối với khách nước ngoài. Không thể kể hết những món có thể làm ra từ hạt gạo, bột gạo. Càng không có ngôn từ nào có thể lột tả hết cảm giác khi thưởng thức từng món ăn được làm ra từ hạt ngọc trời quý giá này. Chỉ biết rằng, trong dư vị đơn sơ mộc mạc đó, có mồ hôi, nước mắt và sự tảo tần của người nông dân qua bao ngày mưa nắng mới kết thành.
Những thương hiệu “sống đời”
Từ gạo, nhiều người với tài khéo léo đặc biệt đã chế biến thành những món ăn nổi tiếng, làm nên thương hiệu riêng có của quê hương. Xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên có món bánh canh nhờ cô Neáng Oanh Na làm nên từ loại gạo thơm Neáng Nhen của vùng Bảy Núi. Cọng bánh canh dẹt nhưng dai, màu trắng nõn hòa lẫn với nước lèo, giò heo, cá lóc, bò viên thật sự là hương vị hấp dẫn và khó quên với tất cả du khách từng đặt chân đến An Giang. Nổi tiếng khắp gần xa, bánh canh Vĩnh Trung nay đã có mặt ở đồng bằng, các nhà hàng, quán ăn thành thị để đáp ứng nhu cầu của những thực khách không có dịp đến tận vùng núi Tịnh Biên thưởng thức. Và tùy theo nhu cầu, nay cũng có nhiều kiểu nấu bánh canh mới như bánh canh ăn với cá lóc, bánh canh thịt heo lát, bò viên, bánh canh chay… duy chỉ có sợi bánh và nguyên liệu gạo Neáng Nhen là không thay đổi.
Những món ăn giản dị được chế biến từ gạo
|
Ngoài bánh canh, gạo còn làm ra bánh bò, loại bánh dân dã nay cũng trở thành đặc sản nhờ kết hợp với đường thốt nốt mùi thơm đậm đà và màu vàng bắt mắt. Tuy làm ra và bán nhiều ở vùng núi và chợ Châu Đốc, nhưng bánh bò thốt nốt ngon và nổi tiếng lại được sản xuất ở xứ lụa Tân Châu, danh tiếng hơn mấy chục năm nay là thương hiệu bánh bò thốt nốt Út Dứt. Chỉ với bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa, hai ông bà đã làm nên những ổ bánh bò ngon béo, không chỉ người địa phương mà nay đã nổi tiếng ra ngoài tỉnh. Công thức làm bánh bò được truyền cho con cháu và họ mở rộng địa bàn làm ăn ở các chợ lân cận, thậm chí ở TP. Long Xuyên nhưng theo nhiều khách hàng quen thuộc, hương vị của nơi sản xuất chính vẫn ngon nhất. Thương hiệu bánh bò Út Dứt nay còn được cấp chứng nhận độc quyền, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vị ngon riêng biệt.
Người Chăm ở An Giang cũng có nhiều món bánh truyền thống làm từ gạo được lưu truyền đến nay. Trong đó, phải kể đến bánh quai vạt, bánh tổ mối, bánh đúc trắng. Họ giữ nguyên cách thức làm thủ công, trân trọng hạt ngọc trời ban tặng để làm nên những món bánh thơm ngon nhất dâng cúng thượng đế, tổ tiên hoặc làm quà quý tặng nhau lúc đi xa. Hương vị của quê nhà có lẽ vì vậy càng thêm đậm đà, lắng sâu vào tận đáy lòng trong mỗi người chúng ta.
(Theo Làng Việt)
|