Tổ khúc Múa đèn Đông Anh do những người nông dân chân lấm tay bùn sáng tạo nên nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất qua các thời vụ, nói lên ước mơ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và tình yêu đôi lứa.
"Lên chùa bẻ một cành sen,
Lên chùa bẻ một cành sen,
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng,
Ba bốn cô có hẹn cùng trăng có hẹn cùng trăng….”
Đây chính là những câu hát quen thuộc trong bài dân ca Đi cấy mà hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc. Nhưng bạn có biết, bài ca Đi cấy chính là một làn điệu nằm trong tổ khúc Múa đèn Đông Anh - một thể loại diễn xướng dân gian vô cùng độc đáo trên quê hương Thanh Hóa.
Múa đèn có nguồn gốc ở làng Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, về sau người dân quen gọi luôn thành Múa đèn Đông Anh.
Tổ khúc Múa đèn Đông Anh do những người nông dân chân lấm tay bùn sáng tạo nên nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất qua các thời vụ, nói lên ước mơ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và tình yêu đôi lứa.
Múa đèn Đông Anh là sự kết hợp của hai hình thức hát và múa. Giai điệu trữ tình, trong sáng kết hợp cùng các động tác múa khéo léo đã tạo nên một tổ khúc Múa đèn vô cùng độc đáo. Mà mỗi câu hát, mỗi bước đi hay mỗi động tác múa đều mô phỏng lại những cảnh sinh hoạt lao động hàng ngày của người nông dân. Một chu trình sản xuất bắt đầu là thắp đèn, đến luống bông luống đậu, vãi mạ, đan lừ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt cửi, se chỉ vá may và cuối cùng là đi gặt đã được tái hiện lại đầy màu sắc.
Tổ khúc Múa đèn Đông Anh chủ yếu gồm từ 10 đến 12 người tham gia biểu diễn. Mỗi người biểu diễn sẽ đội lên đầu một đĩa đèn vừa hát vừa múa. Dưới ánh nến lung linh trong màn đêm tối, điệu múa càng trở nên sinh động, đầy sức cuốn hút./.
(Theo VTV)
|