Hưng Yên là địa danh được biết tới với những đặc sản nức tiếng gần xa như nhãn lồng hay tương Bần. Mỗi một thứ đặc sản có một hương vị rất riêng nhưng lại gợi cho người dân nơi đây một ý nghĩa rất chung. Nhãn lồng thể hiện sự ngọt thơm của đất mẹ, còn tương Bần thì lại gợi lên sự đằm thắm, đượm đà tình quê.
Những chum tương được phơi ngoài nắng tạo vị ngon của tương
|
Ai đã có dịp ghé qua làng Bần Yên Nhân – Mỹ Hào – Hưng Yên, thưởng thức món tương đặc sản có tiếng nơi đây, thì chắc hẳn sẽ khó mà quên được món tương dễ gây “nghiện” này. Bên cạnh những loại tương có tiếng như tương Cự Đà hay tương Nam Đàn, thì tương Bần cũng được khá nhiều người biết đến. Do mỗi nơi có điều kiện khí hậu, cũng như nguồn nước khác nhau mà tương mỗi nơi cũng có hương vị khác nhau. Tương Bần cũng vậy, nó mang một hương vị rất riêng - hương vị của mảnh đất Hưng Yên ngàn năm văn hiến.
Để có một mẻ tương Bần ngon, đúng vị đặc trưng, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Chủ hiệu Minh Quất (số 135, thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên), người đã có kinh nghiệm làm tương và gia truyền 5 đời truyền lại, chia sẻ: “Để có một mẻ tương ngon, chuẩn là cả một quá trình, từ việc chọn gạo thì phải là loại nếp cái hoa vàng chuẩn, đỗ tương thì phải là loại đỗ được trồng quanh trên mảnh đất Hưng Yên này và phải đều hạt, muối thì phải là loại muối tinh chọn lọc. Cứ nấu 100 lít tương thì phải cần tới 30kg gạo, đỗ thì bằng một phần hai gạo và 18kg muối. Cả ba thứ kết hợp lại tạo nên một thứ nước tương vừa thơm, vừa đặc sánh, lại ngọt đằm.”
Xong không phải cứ ba loại nguyên liệu trên trộn lại một cách thông thường mà có thể tạo nên một thứ đặc sản thơm ngon, mà nó còn phải trải qua một chu trình từ rang, đồ, cho đến tạo mốc, rồi mang ủ. Gạo nếp được đồ thành xôi, sau đó phải bóp thường xuyên để tạo mốc vàng, làm cho hạt gạo tơi xốp thì lúc đó mới đạt tiêu chuẩn; đỗ tương thì phải rang vàng rồi ngâm bảy tới tám ngày; sau đó khuấy đều ba thứ lại rồi mang ra chum sành ủ cho tới khi tương ngấu.
“Tương phải được ủ trong chum, phơi ngoài nắng để từ hai tới ba tháng cho ngấu thì mới mang ra ăn hay bán được. Loại chum được chọn để ủ tương cũng phải là loại chum sành chứ không thể chọn một loại chum khác. Gia đình tôi phải đặt tận Ninh Bình và cũng phải xuống tận nơi để chọn từng chiếc một. Khi chọn chum thì phải chọn những chiếc thật già, mỏng chum, gõ phải có tiếng vang mới đạt tiêu chuẩn.” Anh Định, chủ hiệu tương Định Thu, ngụ xóm Hồng Kỳ, thị trấn Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên chia sẻ.
Từ xa xưa, món tương đã rất quen thuộc trong mâm cơm của người Việt, và đến nay, món tương vẫn được nhiều gia đình coi là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của mình. Tương rất dễ kết hợp với các món ăn khác, tương có thể chấm rau hay chấm thịt, ngoài ra nếu kho cá mà cho một chút tương vào thì đảm bảo niêu cá sẽ có hương thơm phức và vị thì ngon tuyệt.
Anh Hoàng Long, một vị khách trung thành của tương Bần chia sẻ: “Tôi là người Hải Phòng nhưng làm việc trên Hà Nội. Cách đây vài năm, tôi được một người bạn cùng làm mời về Hưng Yên chơi. Trong bữa cơm, tôi thấy có bát nước tương, tôi ăn thấy vị rất lạ nhưng cũng rất ngon. Hỏi ra mới biết đó là đặc sản nơi đây, nên tôi có nhờ người bạn mua giúp một chai về cho gia đình ăn thử. Về nhà ai nấy ăn xong đều khen ngon, nhất là mẹ tôi, món gì bà cũng mang tương Bần ra ăn cùng. Từ đó tới giờ, mọi người trong nhà tôi đều “nghiện” món gia vị này. Vậy nên cứ mỗi lần về quê là tôi lại ghé qua làng Bần để mua mấy chai tương về cho gia đình.”
Sản phẩm của làng
|
Không chỉ những vị khách xa tới mua hàng mới nhận xét vậy, mà chính người dân nơi đây họ cũng “nghiện” cái món đặc sản quê mình, cũng giống như người mới ăn hay người đã ăn quen món tương này đều thấy nhớ.
Cô Bích, một người dân sống cạnh làng Bần và là chủ một đại lý bán lẻ tương Bần cho biết: “Nhà tôi biết tới món tương này từ lâu lắm rồi, một phần vì mình là người dân ở đây, phần nữa là do các cụ nhà tôi trước kia cũng thường ăn món này rồi. Vậy nên trong mâm cơm nhà tôi bữa nào cũng phải có bát tương. Ăn riết bây giờ thành thói quen rồi, bữa nào không có là thấy bữa đó kém ngon. Bây giờ nhà tôi còn lấy luôn cả tương của cơ sở sản xuất về bán lẻ vì nhà mình gần mặt đường, buôn bán cũng thuận tiện hơn. Lúc mới mở cửa hàng cũng hơi khó bán, nhưng sau người này ăn ngon truyền tai người kia, thế là họ cứ tìm theo địa chỉ về đây. Bây giờ, khách quen đến cứ phải lấy mỗi lần cả chục lít về ăn, rồi cả đem biếu nữa.”
Hiện nay, số gia đình vẫn còn làm tương tại thị trấn Bần chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, xong không vì thế mà chất lượng tương giảm đi, một số hiệu tương truyền thống cũng luôn dạy cho con cháu mình cách làm tương để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình từ nhiều đời truyền lại. Để rồi cho đến nay, tương Bần vẫn có sức lan tỏa lớn trong nền ẩm thực Việt Nam. Và nhẹ nhàng, nó đi vào ca dao dân ca Việt Nam, không chỉ như một món ăn giản dị mà hơn thế - là món ăn tinh thần gợi nhớ tình quê: Em đi trăm quán ngàn cầu/ Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen/ Mà sao em vẫn cứ thèm/ Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần.
Hoàng Hiền - Nguồn Quehuongonline.vn
|