Với quan niệm vạn vật có linh hồn, hàng năm, người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thường tổ chức lễ cúng cây chè tổ, vừa thể hiện nét văn hoá tâm linh, vừa chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.
Đến với xứ sở những cây chè trăm tuổi
Tôi quyết tâm lên Suối Giàng lần này chỉ bởi một lý do hay nói đúng hơn là một câu nói hơi “Hoa văn”của anh bạn là cán bộ văn hoá huyện Văn Chấn - ông nên lên Suối Giàng để thưởng thức chè Suối Giàng, sẽ cảm nhận được sự kết tinh của đạo lý làm người: Quý trọng nhau, tin tưởng nhau, yêu thương nhau thì uống cùng nhau, không phân biệt thành phần, lứa tuổi, dân tộc, gặp nhau mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông đều cùng nhau thưởng thức, uống chè Suối Giàng là cảm nhận cái cao rộng của đất trời, là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên để xích lại gần nhau hơn. Trong những ngày chớm xuân, tôi quyết định lên Suối Giàng để cùng đồng bào Mông vượt đèo, lội suối từ các đỉnh núi mù sương đến trung tâm xã để chơi xuân, tham gia các lễ hội văn hóa dân tộc Mông Suối Giàng, để được cúng cây chè tổ.
Thầy cúng chuẩn bị làm lễ cúng cây chè cổ
|
Từ trung tâm huyện lỵ vượt trên 11km đường đèo dốc quanh co, cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Suối Giàng ẩn hiện trong làn sương mai buổi sớm. May mắn cho tôi khi được anh Vàng A Giao - người Mông Suối Giàng dẫn đường. Không còn gì thú vị hơn khi đi vào những rừng chè Shan tuyết, trong đó có hàng vạn cây chè 100 năm tuổi và 300 tuổi. Có lẽ không còn ai nhớ được cây chè có từ bao giờ? Người có tuổi thường nói với con cháu mình là từ khi ông còn nhỏ đã thấy rồi. Là loại cây mọc hoàn toàn tự nhiên ở các sườn núi quanh năm mây mờ bao phủ, được hấp thụ những tinh túy của đất trời nên chè Suối Giàng có hương vị thơm ngon đặc biệt mà không có loại chè nào có được.
Hàng trăm năm qua, cây chè của tự nhiên đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hoá của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này. Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn con người, gần gũi và thân thuộc, gắn bó như máu thịt với đồng bào. Trồng chè, thưởng thức chè đã trở thành nhu cầu, thành văn hoá. Suối Giàng hôm nay đã đổi mới rồi, lung linh điện sáng trên núi cao, vang vang tiếng trẻ học bài, người Mông có truyền hình để xem, có xe máy để đi, tất cả là nhờ cây chè, hương chè, búp chè mang lại. Hương thơm, vị đượm của chè Shan tuyết Suối Giàng đang bay xa, bay xa để mời gọi bạn bè bốn phương. Sản phẩm chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nơi gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất
Đã bao đời nay, việc thu hái và chế biến chè Shan tuyết Suối Giàng đều được đồng bào thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống của người Mông, nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có. Đặc sản chè tuyết của Suối Giàng đã được nhiều nơi trong cả nước biết đến và thường được nhiều người chọn làm quà biếu để tặng khách quý trong những dịp lễ tết. Bởi vậy cây chè Shan tuyết cổ thụ được xem như là biểu tượng, là nguồn sống và cũng chính là cây xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng.
Anh Giao cho biết: lễ cúng cây chè tổ là nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu trong mỗi lễ hội, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ trời đất và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu cho quê hương, đất nước thái bình, thịnh vượng... Ngay tại gốc cây chè tổ, ông chủ lễ cung kính nói dõng dạc từng từ, từng chữ gửi gắm ước mơ và khát vọng của mình, để cộng cảm, cộng sinh và cộng mệnh với đồng bào.
Ngoài phần lễ là phần hội, du khách đến đây có thể thỏa sức đắm mình trong tiếng trống, tiếng khèn, hòa cùng những giai điệu lời ca, điệu múa ngất ngây trong hương rượu nồng và những trò chơi dân gian kỳ thú, không thể thiếu trong ngày hội của người Mông như: Múa Khèn, ném pao, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, giã bánh dày… Đây là nét văn hóa tộc người độc đáo, chứa đựng tất cả những khát vọng, những ước muốn tâm linh vừa trần tục vừa thiêng liêng, thiết tha và mãnh liệt của người Mông.
Đến với Suối Giàng, không chỉ được tìm hiểu về đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, mà còn được hoà quyện với thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, nhấp ngụm trà xanh ngọt nơi đầu lưỡi bên những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được hoà mình vào không gian văn hoá và hiểu thêm nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, cũng như những ngành nghề truyền thống của đồng bào Mông như: nghề rèn, đan lát và thêu dệt… Hơn hết đó là để cảm nhận sự thay đổi trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.
Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Suối Giàng một vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của những cây chè Shan tuyết, cùng với đó là sự nguyên sơ, bình dị của con người nơi đây chính là điều kiện để thu hút khách du lịch đến với vùng đất có tiềm năng du lịch sinh thái này.
|
(Theo Làng Việt)
|