“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Những câu thơ ấy của nhà thơ Vũ Đình Liên, mỗi lần đọc lại nhắc cho ta nhớ tới một nét đẹp truyền thống của ông cha - tục xin chữ ngày xuân.
Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Theo đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của vua, được viết trong các sắc phong; còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết.
Xin chữ ngày Tết, không phải là một việc đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng, những nhà có tiền thì mời thầy về tận nhà để dạy chữ cho con cái, những nhà bình thường thì gửi con đến nhà thầy, ngày lễ ngày tết phải sang tết thầy, như dân gian có câu “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là vậy.
Ngày Tết, công việc của thầy đồ càng bận hơn bởi mọi người đến xin chữ, đó là việc mà cả người xin chữ và người cho chữ đều hết sức trân trọng và nâng niu. Ông đồ thường dậy sớm chuẩn bị nghiên mực cho chu đáo, người xin chữ khăn áo chỉnh tề, sắm một chút lễ vật đến nhà thầy, lễ vật tùy gia cảnh của người xin chữ có thể là chai rượu, nải chuối, mấy bơ gạo nếp, hay một phong bao mừng tuổi…
Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin, người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ… Có những ông đồ thì lại đến các chợ, hoặc nơi đông người qua lại, bày giấy mực ra để bán chữ. Những ông đồ chữ đẹp được mọi người chú ý rất nhiều, mỗi chữ cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, nên ai cũng muốn mua cho mình một vài chữ, và sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực cũng làm cho ngày Tết thêm màu sắc và hương vị. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình.
Cách nay khoảng một thế kỷ, ông tú Trần Tế Xương lúc đó đã có lời thơ buồn thấm thía “Nghe nói khoa này sắp đổi thi/ Các ông đồ cổ đỗ mau đi/ Dẫu không bia đá còn bia miệng/ Vứt bút lông đi, giắt bút chì!”. Chữ Nho mất, cùng với đó là sự thắng thế của văn hóa Âu Tây, nên chỉ vài chục năm sau, tiếng thơ của Vũ Đình Liên còn xa xót hơn nhiều “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”... Có lẽ, sống trải trong bầu sinh khí ngàn đời của văn minh Á Đông, chút vang bóng của hình ảnh ông đồ ngày Tết mới để lại nhiều dư vị đến thế! Thế nhưng, đến những năm đầu của thế kỷ XXI này, ông đồ đã không còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Hoài Thanh).
Mấy năm trở lại đây, phố ông đồ bên cạnh Văn Miếu có thể coi là một “đặc sản” của Tết Hà Nội. Bên vẻ trầm mặc, u hoài của trường Giám ngày xưa đang lắng đọng rêu phong, thì “hồn dân tộc lại đang sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét thư pháp tài hoa của những “ông đồ” trẻ tuổi, 7X và 8X. Ngoài các ông đồ già áo the khăn xếp là các ông đồ trẻ bụi bặm với quần jeans áo thun hay lịch lãm trong các bộ vest. Tuổi trẻ đến với thư pháp chủ yếu bởi sức hút nghệ thuật tài hoa và phóng túng của bộ môn này. Không chỉ thấu đạt những chuẩn tắc trong thư pháp, họ còn định hình được phong cách riêng của mình, thể hiện sự phóng túng trong ý tưởng, cẩn trọng trong việc bồi giấy chọn bút…
Xuân đã gõ cửa phố phường. Tết sắp về. Người người lại rộn ràng rủ nhau đi xin chữ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn. Và ông đồ như một biểu tượng bất diệt của sức sống văn hóa ngàn đời, đưa người ta trở về với nét phong tục xưa, cái Tết xưa ấm cúng.
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|