Dân Việt - Tết nguyên đán có từ bao giờ, hẳn ít ai thấu rõ. Chỉ biết rằng từ xa xưa, hay như thời Lý, Trần, Lê... ông cha ta đều đã cử hành Lễ Tết này hằng năm vào dịp đầu Xuân với cung cách trang trọng, linh thiêng nhất.
Tết nguyên đán, cứ thế lưu truyền theo thời gian, trở thành Tết cổ truyền dân tộc mang đậm nét văn hóa của dân tộc.
Người Việt Nam dù ở khắp nơi nơi, nhưng hằng năm cứ vào dịp đầu Xuân đều tổ chức đón Tết nguyên đán, vui Xuân.
Với Tết ngay từ khi xưa, trong cảnh còn khi đói khi no, hay như thời kỳ bao cấp còn thiếu thốn đủ thứ, phải lam lũ vất vả quanh năm, nhưng cái Tết của người Việt vẫn là khoảng thời gian thanh bình nhất, sum vầy, đầm ấm nhất với mọi gia đình, trở thành phong cách sống đặc trưng.
Ngày nay, Tết của người Việt đã đủ đầy hơn, xen lẫn pha tạp của cuộc sống xô bồ, ồn ào náo nhiệt, mang tính phổ biến ở một xã hội phát triển, đang vững bước đi lên, nhưng trên khuôn mặt mỗi con người từ già đến trẻ nhỏ vẫn toát lên những điều thật giản dị, yên bình, hồ hởi trong tiết Xuân.
Mỗi năm Tết đến, Xuân về, Người Việt vẫn lưu giữ nhiều phong tục đẹp, được truyền từ đời này sang đời khác và luôn mang đậm nét văn hóa sống, trở thành nếp sống trường tồn của người dân đất Việt.
Ngày xưa, vào những ngày gần Tết ở thành thị, người đàn ông trong gia đình thường lo chuẩn bị cây nêu, mua sắm cành đào, hoa chơi Tết.
Ở các hè phố xuất hiện những em bé cầm cành đào đứng bán bên đường
Ở các phiên chợ quê hay ở những nơi đông người qua lại, xuất hiện hình ảnh những ông đồ ngồi viết chữ...
Người phụ nữ nội trợ thì lo đi chợ mua gà (trống) về cúng đêm giao thừa
Và mua lá dong về gói bánh chưng
Cảnh xếp hàng mua hàng tết thời bao cấp
Món không thể thiếu thời đó là những hộp mứt Tết và những chai rượu Tết ("rượu mùi")
Ngày Tết ở cả hai miền Nam Bắc đều có phong tục cúng cây mía vì quan niệm để ông bà ông vải có gậy chống. Ở Sài Gòn còn có cả dãy phố dài chuyên bán mía cho người mua đem về cúng Tết.
Gói bánh chưng Tết.
Luộc bánh chưng, rồi vớt bánh, sau đó dùng cối đá để nén bánh.
Dọn dẹp nhà cửa, đánh bóng đồ thờ…
Tết xưa không thể thiếu những tràng pháo đỏ - một phong tục cầu mưa ở một đất nước có nền nông nghiệp lâu đời. Qua tiếng pháo nổ, người Việt mong muốn nghe thấy tiếng sấm báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Người Việt khi xưa cũng quan niệm, nhà nào đốt pháo nổ giòn giã, xác pháo đỏ dầy đặc trước sân nhà là báo hiệu một năm may mắn, thuận lợi mọi bề. Trẻ em thích đi chơi Tết, rồi tranh nhau lượm những quả pháo xịt để đốt.
Ở Hà Nội, cảnh thường thấy vào sáng ngày mùng Một Tết là đường phố vắng người, mưa bụi giăng trắng xóa, vỉa hè đầy xác pháo đỏ (trong hình là phố Khâm Thiên) - một không khí ấm áp trong giá rét ngày Tết.
Mùng Bốn, mùng Năm Tết là bắt đầu tưng bừng Hội Xuân ở khắp nơi nơi.
Du xuân, chơi đu... Những trò chơi dân gian phổ biến trong ngày Tết ở vùng nông thôn Bắc bộ.
Chúc tết và lì xì… một trong những tập tục phổ biến trong ngày Tết của người Việt.
Cuối cùng, mâm cỗ cúng truyền thống vẫn là một trong những nghi thức Tết có ý nghĩa quan trong ở mỗi gia đình.
Ngày Tết, không gì vui bằng gia đình sum họp…
Huyền Phương (Ảnh sưu tầm - Nguồn: Internet) - Dân Việt
|