1: Bản làng người Hà Nhì tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu trong những ngày Tết.
Người Hà Nhì ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu quan niệm rằng, vào đầu năm mới phải làm lễ cúng trời để tạ ơn vì trong năm vừa qua đã ban phát cho bản làng trù phú, ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cầu an lành trong năm tới.
Ông Chu Xế Lù (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu) cho biết, lễ cúng trời là một nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Hà Nhì. “ Với người Hà Nhì ở Thu Lũm, thế giới thần linh rất quan trọng trong đời sống. Tất cả những sự vật, hiện tượng xung quanh đời sống đều được phong thần như: Thần núi, thần rừng, thần bản, thần sấm, thần mưa, thần nương... Nhưng vị thần ngự trị cao nhất, nhiều quyền lực nhất chính là trời. Vì thế, lễ cúng trời thể hiện sự kính cẩn, linh thiêng nhất trong các nghi lễ của người dân nơi đây”, ông Lù nói.
Vật tế được chuẩn bị gồm 1 con gà trống, 3 chén chè, 3 chén rượu, 3 bát gạo, 1 quả trứng sống để vào bát gạo ở giữa, 3 miếng bánh giầy, 3 cây hương, 1 bát nước trắng, 1 cái vòng bạc của người phụ nữ trong gia đình. Người Hà Nhì thường chọn con gà làm vật cúng tế trời với quan niệm khi con gà cất tiếng gáy có thể gọi thần mặt trời thức dậy. Vì thế nên con gà được chọn cúng tế phải là con gà to và đẹp nhất mà gia đình nuôi được. Vào lúc mặt trời bắt đầu ló rạng, các gia đình người Hà Nhì lên nóc nhà nơi có vị trí cao nhất cầm con gà sống nhằm 4 hướng khấn vái và tế để cầu xin những điều may mắn sẽ đến với gia đình họ trong năm.
Đã là người Hà Nhì, không ai không làm lễ cúng trời. Lễ cúng trời đã ăn vào tâm thức ông Chu Xế Lù và người Hà Nhì nơi đây như một thứ tín ngưỡng tối thượng để người dân nơi phên giậu Tổ quốc vững vàng đương đầu với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
2: Ông Chu Xế Lù trên nóc nhà mình nhằm hướng đông chờ tia nắng đầu tiên ló rạng làm lễ Cúng Trời.
3: Vật lễ để cúng tạ ơn Trời được chuẩn bị rất cẩn thận.
4: Trên nóc nhà, gia chủ thường chọn vị trí thuận tiện nhất nhằm hướng Đông để hướng bàn tế.
5: Khi tế Trời xong mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần làm thịt gà.
6: Người Hà Nhì quan niệm con gà cũng có linh hồn nên nó cũng được làm lễ khi chết.
7: Khi chiếc nến cháy hết, 3 nén hương tàn lễ tạ ơn Trời cũng kết thúc.
8: Gia chủ lạy bốn hướng Đông- Tây- Nam- Bắc để tạ ơn Trời lần cuối.
9: Người Hà Nhì dùng dao cạo chiếc vòng bạc với nghi thức cúng “gió”.
10: Sợi chỉ kết nối giữa Trời và gia đình người Hà Nhì được chủ nhà căng ra và dứt đứt.
11: Người phụ nữ sở hữu chiếc vòng bạc như một điều tất yếu cho việc quản lý tiền bạc trong gia đình.
12: Chén rượu mời Trời kết thúc buổi lễ.
13: Trong những năm có việc vui của cả bản, mọi gia đình sẽ mang mâm cỗ vừa tế tại nhà mình ra sân nhà trưởng bản và ăn cơm chung thể hiện cho tình làng đoàn kết.