Nếu nói đến mùa hạ người Cơ tu có tục Pa ngoách (lễ kết nghĩa), mùa xuân có tục Rơ dáo (đem cơm thăm viếng nhau đầu năm), thì đặc biệt đối với một mùa đông lạnh lẽo cộng đồng người Cơ tu ở Tây Giang nói riêng, tộc người Cơ tu nói chung có thêm tục Dáo oói (thăm và tặng những gùi củi cho nhau)…đây là một số tập tục có từ ngàn đời xưa của người Cơ tu.
Tập tục tặng củi của người Cơ tu không rõ nguồn gốc và bắt nguồn từ thời điểm nào, qua tìm hiểu với những người cao niên trên các xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang cho biết, họ chỉ nhớ trong ký ức và thấy nó luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày của họ được lưu truyền từ xa xưa cho đến ngày nay. Với họ đây là tập tục hay đẹp và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vì vậy nó cũng là một phần văn hóa truyền thống mà cha ông để lại.
Thông thường thì sau khi hoàn tất công việc nương rẫy, bên nhà gái luôn là người chủ động chọn ngày để vào rừng kiếm củi và mang tặng những gùi củi cho nhà trai trong cuối năm. Ngày xưa việc tặng củi cũng có những quy định mang tính truyền thống, củi tặng có khi là củi tươi, nhưng phải được chẻ nhỏ lại, đều và đẹp, thường là các cây gỗ dễ cháy, có than tốt như chôm chôm, sến….tùy theo điều kiện của từng gia đình nhà gái, giàu thì thăm trên 30 gùi (bó) củi, nghèo thì ít hơn. Củi này được nhà trai tiếp nhận và xếp gọn phơi khô trên các giàn bếp (Rơ pang) của nhà mình và lấy dùng khi cần trong dịp lễ tết và biếu tặng một phần cho anh em.
Đới với người Cơ tu việc tặng củi mùa đông cuối năm là việc làm thường niên, nên mỗi độ gần xuân về tết đến các gia đình nhà gái luôn thu sếp thời gian để kiếm củi thăm viếng và tặng củi cho nhà trai, còn bên nhà trai lo cơm nước, rượu mồ và cho ít đồ tặng lại nhà gái như ché, chiếu, chén, bát…Ở đây vừa thăm hỏi sức khỏe thông gia, bà con cuối năm hai bên, vừa là dịp họp mặt và giúp đỡ động viên nhau trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt là chuẩn bị tốt cho một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc, sum vầy.
Tục tặng củi của người Cơ tu Tây giang là nét đẹp vốn quý của dân tộc Cơ tu cần được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, đứng trước nạn khai thác rừng bừa bãi, diện tích rừng ngày một hạn hẹp dần thì việc kiếm củi tươi để làm củi tặng cũng ảnh hưởng không nhỏ vừa về số lượng và chất lượng củi. Nhưng nếu chúng ta biết cách giữ rừng, bảo vệ rừng, trồng và cải tạo rừng tốt, với tinh thần chủ yếu là thăm tặng củi khô hoặc củi tươi dù ít nhưng quan trọng là mang đậm giá trị văn hóa, chia sẻ và giúp đỡ nhau nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong tương lai mới mong còn củi để đem tặng nhau trong những mùa đông giá rét, vừa sẻ ấm cho nhau vừa giữ được các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Cơ tu nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung./.
(Theo dulich.org.vn)