Người Việt Nam coi trọng lễ nghi và có thói quen kiêng dè những điều không tốt trong cuộc sống, nhất là vào những ngày lễ, Tết, ngày Sóc vọng. Chính vì thế, ngay việc xông nhà ngày Tết cũng có những quy chuẩn riêng được nhân dân ngầm đặt ra để theo đó mà biết điều gì nên tránh, nên làm với tập tục này trong những ngày đầu năm.
Xông nhà năm mới được tính từ lúc qua lễ đón giao thừa, bắt đầu một năm mới. Sau khi cúng giao thừa xong, mọi người trong nhà thường đi lễ chùa, hái lộc đầu năm và sang nhà nhau chúc Tết. Người đầu tiên bước vào nhà của một gia đình được gọi là người xông nhà năm mới.
Người xưa quan niệm rằng một năm mới tốt xấu thế nào là do người xông nhà năm mới mang đến. Do vậy, mỗi gia đình thường kén một người "tốt vía" xông nhà để năm mới được tốt đẹp, mọi điều suôn sẻ, thuận lợi. Thường thì người xưa chọn một thành viên có đạo đức, có chí, mặt mày sáng sủa trong gia đình để xông nhà, như vậy sẽ không phải nhờ một người tốt vía khác đến xông nhà cho mình, tránh được những phiền toái về những chuyện không may trong cuộc sống có thể xảy ra.
Người xông nhà được chọn từ những thành viên trong gia đình sẽ ra khỏi nhà từ lúc năm cũ sắp qua, và trở về khi năm mới đã tới, mang theo cành lộc hái được từ bên ngoài.
Cũng theo đó, nhân dân ta thường tránh xông nhà người khác ngày mùng một Tết nếu trong gia đình mình có những chuyện không hay xảy ra trong năm qua. Các gia đình người Việt cũng rất kị những người có phẩm chất đạo đức không tốt, lười biếng xông nhà ngày tết.
Theo simplevietnam.com