Quanh khu nhà che mộ, một thế giới muông thú cùng với những bức tượng đàn ông, đàn bà đứng khỏa thân; hình người ngồi hai tay ôm mặt khóc… Người làm nên âm hưởng này cho nhà mồ không ai khác là các nghệ nhân đẽo tượng.
Mỗi ngôi làng Tây Nguyên đều có một khu nhà mồ nhưng không phải làng nào cũng có người biết đẽo tượng mồ. Đẽo tượng nhà mồ không phải là nghề để kiếm sống. Người nào muốn hãy tự mình quan sát, tự mình thực hành cho đến khi được cộng đồng công nhận. Họ cũng không được trả công hay có chút ưu đãi nào của cộng đồng. Từ xưa, người Tây Nguyên quan niệm rằng - người biết đẽo tượng mồ là người có bàn tay được Yang (Trời) cho, có cái đầu được Yang bảo, phải phục vụ dân làng vô điều kiện,…
Theo tập tục của người Tây Nguyên, Pơ thi (bỏ mả) là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của một con người. Trước lễ Pơ thi, người đẽo tượng sẽ được các gia chủ mời vào rừng. Ngả được thân cây vừa ý xuống, chỉ bằng con dao và chiếc rìu họ bắt đầu miệt mài thực hiện “tác phẩm” của mình…
Không phải câu thúc bởi thời gian hay một sự gợi ý “đặt hàng” nào từ gia chủ, người đẽo tượng hoàn toàn được tự do sáng tác theo ý mình. Chính sự tự do đó mà với những thời khắc nhất định, họ vụt hóa thân trong những “vụ nổ tâm linh”... Đẽo một khúc gỗ thành hình người thì không khó nhưng thả được hồn vào tượng với những nỗi khắc khoải trong các tư thế, trong mọi vẻ mặt; thô tháp mà mang cả nỗi đau của một kiếp người, thì chỉ có người tạc tượng mồ Tây Nguyên mới làm nổi.
Tượng mồ - như tên gọi của nó - chỉ được đặt ở nhà mồ. Người tạc tượng khi đã bắt tay vào công việc, dù tác phẩm đang dở dang cũng không được mang về nhà hay đến khu nhà mồ làm tiếp. Họ không bao giờ được vụ lợi trong công việc; không được phép mang tượng đi rao bán hay đổi chác... Sau lễ tiễn người chết về “làng ma” vĩnh viễn, tượng mồ cũng để mặc tàn tạ cùng mưa nắng. Và người đẽo tượng cũng coi tác phẩm của mình như một sự đi không trở lại của kiếp người…