Gọi là trà cung đình bởi thú uống trà, thưởng trà xuất phát từ cung đình Huế. Trước đây, văn hóa này chỉ dành cho vua quan do sự cầu kỳ trong việc chuẩn bị để nấu 1 ấm trà cho đến các nghi thức cầu kỳ của việc thưởng trà, người dân thường không có điều kiện để thực hiện.
Trà cung đình Huế không chỉ là một thức uống giải khát mà còn là liều thuốc bổ cho sức khỏe. Có nhiều loại trà khác nhau mà mỗi loại lại là một bài thuốc. Có trà dành cho người già để bình ổn huyết áp, có trà dành cho phụ nữ giúp làm đẹp da, có trà lại dành cho thành niên giúp tăng cường sinh lực lại có cả loại dành cho người bị bệnh tiểu đường hay có những loại giúp người uống bắt căng thẳng, giảm stress…
Chỉ cần nghe thế thôi là đã đủ biết để có một ấm trà không hề đơn giản. Nguyên liệu để pha trà tất nhiên là gồm phần trà và nước, ngoài ra tùy theo từng vị mà thêm các thành phần hoa, quả hay các loại lá khác nhau. Tuy cũng chỉ từng đấy công đoạn nhưng mỗi công đoạn của trà cung đình cầu kỳ hơn bình thường khá nhiều.Từ việc hái trà đã phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định, hái giờ nào, hái ra sao, cắt ngắt ngọn, ngâm tẩm trà trong bao lâu, phơi và sấy khô như thế nào…Nước để pha trà phải là nước mưa được hứng vào chum, vại sạch; nếu là lấy nước giếng thì phải nước giếng có độ sâu như thế nào…Phức tạp, cầu kỳ như thế mới chỉ là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Đến phần thực hiện mới lắm công phu, nước sôi phải đảm bảo chỉ ở dạng sủi tăm, nước sôi quá già sẽ làm cho trà bị nồng, giảm hương thơm. Nước non sẽ không đủ đảm bảo trà tiết ra đủ chất, đủ vị… Rồi sau đó là tùy vào từng loại trà mà thêm các thành phần hoa, hay quả hoặc một vài thứ lá cây quý nào đó.
Người dân ở Huế ngày nay vẫn kể câu chuyện về việc thưởng thức trà xưa kia chỉ dành cho vua. Để pha trà cho vua, vào buổi chiều tối các thị nữ trong cung sẽ chèo thuyền ra hồ Tĩnh Tâm trong Hoàng Thành và cho trà vào giữa những búp sen. Sáng sớm hôm sau sẽ ra hồ sen để lấy trà đã được ướp mùi sen thiên nhiên, tinh khiết pha dâng lên vua. Trà cung đình dành cho vua không sử dụng 1 bộ ấm chén cho cả 4 mùa mà phải có bốn loại chén khác nhau để phù hợp với thời khắc Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đấy là câu chuyện kể về ngày xưa. Giờ đây trà cung đình được bán phục vụ cho mọi tầng lớp. Cách thức pha và thưởng trà cũng không còn quá cầu kỳ như vậy nữa, song với người Huế uống trà vẫn là một hình thức nghi lễ, một nét đẹp văn hóa cần giữ gìn.
Những gia đình làm trà cung đình ở Huế hầu hết đều thuộc dòng dõi vua quan triều nhà Nguyễn với những bí quyết riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Những loại thảo dược hay được sử dụng trong trà cung đình gồm: vối nụ, tim sen, đại táo, hồng táo, khổ qua, cam thảo, hoa hòe, hạt chi chi, hoài sơn, hoa cúc, hoa hồng, atiso… Sau khi được bào chế qua đủ các công đoạn bí truyền của từng gia đình, trà sẽ được chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo quy luật âm – dương, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào.
Người Huế thường uống trà cùng với một loại bánh đặc sản nào đó ví dụ như bánh đậu xanh, hạt sen hoặc kẹo lạc… Các quán trà Huế thường có chung 1 đặc điểm là không gian tĩnh lặng, không khí mát mẻ, khiến cho người thường trà cảm thấy thực sự thư thái, dễ chịu.
Bởi là một nét đẹp văn hóa, một đặc sản riêng của Huế nên hiện nay có khá nhiều quán trà cung đình được mở ở thành phố này. Trong số đó có quán trà Vũ Di, gần đồi Thiên An, quán trà rộng được trang trí theo lối kiến trúc đặc trưng xứ Huế. Sân vườn của quán rợp bóng cây, xen giữa đó là những nhà sàn với mái lợp tranh dành cho khách đến uống trà. Tiếng là trà cung đình nhưng mức giá để thưởng thức thứ nước uống này không hề đắt, chỉ giao động từ 30.000 – 50.000 cho một chén trà. Đến với mảnh đất Di sản này, bên cạnh việc thăm quan những công trình kiến trúc, lăng tẩm thì việc đến và thưởng thức trà cung đình Huế cũng là một việc không thể bỏ qua./.
(Theo website Huế)