Ngày 4/10, Đợt 2 của Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 đã khai mạc tại Rạp Công nhân, 42 Tràng Tiền, Hà Nội; sẽ diễn ra từ ngày 4 - 5/10, gồm tiết mục biểu diễn của 10 nhóm Chầu văn tiêu biểu được Ban tổ chức lựa chọn từ Đợt 1 diễn ra tại Đền Lâm Du (quận Long Biên), Đền Kim Giang (quận Thanh Xuân), Đền Yên Phú (Thanh Trì), Đền Cây Quế (quận Cầu Giấy).
Hội đồng cố vấn của Liên hoan là GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; ông Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long; NSUT. Hạnh Nhân, Phó trưởng khoa Kịch hát, Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh.
Thanh đồng đang thăng hoa biểu diễn. Ảnh: Huy Anh
|
Liên hoan nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 nhằm tăng cường giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và quý trọng các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc tới đông đảo nhân dân Thủ đô và đặc biệt là giới trẻ. Liên Hoan còn đem đến cho người dân cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn về nghệ thuật Chầu văn, góp phần đẩy lùi những quan điểm lệch lạc coi Chầu văn là hình thức mê tín dị đoan.
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, hiện nay, nghi lễ Chầu văn không chỉ được thực hiện trong không gian linh thiêng đền, phủ… mà đã được các nhà nghệ thuật đưa lên sâu khấu như một tác phẩm nghệ thuật. Điều này chứng tỏ, nhận thức xã hội đối với Nghi lễ Chầu văn đã có sự thay đổi, Chầu văn đã dần bước ra đời sống và được người dân quan tâm.
GS. Ngô Đức Thịnh cũng nhấn mạnh, các thanh đồng chính là những chủ thể của việc bảo tồn nghi lễ Chầu văn, vì vậy các thanh đồng cần có ý thức hơn về những hoạt động văn hóa tín ngưỡng của mình, tự điều chỉnh hành vi phù hợp mục tiêu bảo tồn giá trị Nghi lễ Chầu văn.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghi lễ Chầu văn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Liên hoan nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất năm 2013 của Hà Nội là việc kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Chầu văn trên địa bàn thành phố, tập hợp tư liệu trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận nghi lễ Chầu văn của Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và góp sức vào cuộc vận động UNESCO công nhận nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chầu văn (hát văn) là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh, được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh (hay còn được biết là tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng Tứ phủ).
|
(Theo chinhphu.vn)