Vùng đất của những món ăn kỳ quái
Rời núi rừng Kon Tum, địa bàn cư trú của tộc người Ba Na hào sảng, chủ nhân của những cánh rừng bất tận cùng những nét phong tục cổ truyền, ẩm thực lạ kỳ, chúng tôi đến với tộc người Gia Rai ở xã Ialy tại huyện vùng cao Chư Păh, cửa ngõ dẫn vào Thủy điện Ialy. Điểm dừng để khám phá ẩm thực của tộc người nơi đây là làng Vân, một ngôi làng cổ còn lưu giữ nhiều hình ảnh của một thuở ngàn xưa huyền hoặc.
Trước khi đến làng Vân, đến với buôn làng của nhiều cụ già là hiện thân của tục cà răng căng tai, biểu hiện qua những đôi dái tai dài lòng thòng đụng sát vai cùng hàm răng trên bị cà tận lợi, hành trang của chúng tôi về tộc người này là đoạn ghi chép của một nhà dân tộc học nói về những món ẩm thực được tộc người này thường ăn tại rừng ma - nơi chôn người chết.
Theo đó, nếu như trong bữa ăn thường ngày người Gia Rai thường dùng 2 món chính là xơi (cơm) và la rưk (rau) thì vào dịp bỏ mả, các phụ nữ của tộc người này dày công chế biến nhiều món ăn mà chỉ vào dịp tiễn đưa linh hồn của người chết về sống vĩnh viễn trong cõi atâu (thế giới của hồn ma tổ tiên) mới xuất hiện.
Các món ăn được chế từ gạo ở lễ bỏ mả có tới năm bảy món như cơm lam (người Gia Rai gọi là kuách), bột gạo nấu với lá sắn và thịt (nhăm pông), bột gạo nấu với thịt và nõn chuối giã nhỏ (nhăm dok)… Đặc biệt phong phú ở lễ bỏ mả là những món ăn chế biến từ thịt. Các món thịt nấu gồm grét (thịt nấu với quả chuối và đọt chuối giã nhỏ) và thịt nấu với bột gạo, nhăm đinh (thịt nấu trong ống nứa gồm gan, ruột già, ruột non trộn lẫn với nhau).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những món ăn được đề cập trong lễ bỏ mả kể trên là của người Gia Rai Aráp. Cần nói rõ rằng căn cứ theo vùng cư trú, các nhà dân tộc học phân người Gia Rai ở Gia Lai thành nhiều nhánh như Gia Rai Cheo Leo (hay Gia Rai Chor, sống tập trung ở thung lũng sông Ayun Pa thuộc huyện Ayun Pa), Gia Rai Hđrung (phân bố đông ở đỉnh Hàm Rồng cách trung tâm thành phố Pleiku gần 10km), Gia Rai Tpuăn (hay Gia Rai Puôn, sống chủ yếu dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, tập trung đông ở huyện Chư Prông)…
Bên cạnh những nét chung, mỗi nhánh Gia Rai có tục lệ và phong cách ẩm thực đặc trưng riêng biệt. Người Gia Rai ở làng Vân mà chúng tôi tìm đến thuộc nhóm Gia Rai Aráp, cư trú phổ biến ở phía bắc thị xã Pleiku và phía bắc huyện Chư Păh. Theo già làng Rơ Chăm Phiếu, Aráp là tên một ngọn núi, đồng thời là tên của một con voi 4 ngà trong một câu chuyện huyền thoại được tổ tiên người Gia Rai truyền miệng qua nhiều đời người bên bếp lửa vào những khi trời tối! Truyền thuyết nói về con voi này cho biết, thuở xa xưa, có 4 chàng trai đi săn đuổi một con voi, săn mãi không được và về sau, khi họ chán nản bỏ cuộc thì con voi quay về trước mắt họ.
Những món ăn không dành cho người yếu tim
Già làng Rơ Chăm Phiếu năm nay ngoài 70 mùa rẫy nhưng khỏe mạnh như người mới ngoài 50. Không chỉ già Phiếu, mà nhiều già làng khác ở làng Vân cũng ở tuổi ấy nhưng khỏe mạnh, minh mẫn, hoạt bát vô cùng. Lý do sống khỏe, sống thọ của các già làng kể ra rất đơn giản. Các già khỏe mạnh dài lâu nhờ siêng năng lao động, ngày ngày vẫn đi rẫy, sinh hoạt điều độ, tiếp nạp thực phẩm sạch chứ không tẩm hóa chất hay dùng chất tăng trọng như ở phố.
Và quan trọng hơn cả là nhờ tinh thần trong sáng, không tham-sân-si, chẳng biết gì về các chữ tham lam, hờn giận. Tôi theo già Phiếu ra rừng a tâu, khu rừng của những hồn ma, nơi duy nhất diễn ra những món ăn cổ truyền của người Gia Rai Arap. Già Phiếu cho biết, về cơ bản, cách thức làm thịt gia súc, gia cầm của người Gia Rai Arap nói riêng, người Gia Rai nói chung tương tự các tộc người anh em khác ở núi rừng Tây nguyên, khi giết thịt con vật thường đập chết, trước giải thoát cho con vật khỏi sự đớn đau kéo dài, sau để thịt được thơm ngọt.
Theo các già làng Gia Rai Arap ở làng Vân, vì lễ bỏ mả là ngày hội vui chơi, ăn uống của cả làng nên từ bao đời qua, lễ nghi này luôn ăm ắp các món ăn cổ truyền được chia thành 2 nhóm nấu chín và… ăn sống. Các món nấu chín được đề cập ở trên nhưng với thịt sống, thì quả không dành cho người yếu tim bởi sau khi được xả thịt không cần phải nấu hay để gần lửa, mà dùng sống hẳn hoi… Một trong những món thịt sống ấy là nhăm tăh. Món này là hỗn hợp thịt cắt sợi trộn với tiết vào ruột non lẫn ruột già được băm nhuyễn. Để tăng thêm gia vị, người ta trộn thêm một số loại gia vị là lá có tinh dầu như lá é, rau thơm cùng ớt xanh trái non.
Câu chuyện ăn thịt sống thoạt nghe có cảm giác rờn rợn nhưng suy cho cùng, về mức độ khủng khiếp, món ăn ấy chẳng là gì so với các món ăn thời thượng của nhiều đại gia nơi phố thị như óc khỉ, bào thai rắn, mắt đại bàng… Để ăn được những món này, người ta chẳng ngại giết hại những con vật lúc nó còn sống hoặc lúc còn đang bụng mang dạ chửa. Một cụ bà tên Rơ Chăm K’len cho biết khi được ướp trộn với lá có tinh dầu, thịt sẽ chín tái, ăn không có vị tanh và rất an toàn, hoàn toàn không có chuyện ngộ độc, mà trái lại là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
“Ngoài nhăm tăh, còn món ăn nào trong lễ bỏ mả được làm từ thịt sống nữa, thưa già”, chúng tôi hỏi thật. Cụ bà K’len tiết lộ rằng, một khi tiến hành lễ nghi đoạn tuyệt với hồn ma, người làng có làm món truyền thống nhăm pa, cũng là thịt cắt nhỏ trộn với tiết phèo và muối ớt. Về cơ bản, món ăn này tương tự món nhăm tăh nhưng điểm khác biệt ở chỗ có vị cay, mặn chủ đạo. Tôi hỏi già K’Len rằng hai món nhăm pa và nhăm tăh, kỳ thực món nào ngon hơn thì già cười mà rằng: “Ô, tùy người thôi, người thích nhăm pa, người thích nhăm tăh, ai thích món nào thì ăn món đó”.
Người Gia Rai Arap còn chế biến món thịt sống gọi là klăk với công thức thịt, da thái nhỏ trộn với sả, muối. Món này cũng được chế biến trong dịp lễ bỏ mả, tựa món klak lăng của người Ba Na gồm hỗn hợp thịt, da, tụ hũ thái nhỏ trộn với sả, củ hành và muối. Đây là món ăn quý nhất của người Ba Na và chỉ đàn ông mới được “động thủ”.
Bận ấy, sau câu chuyện ẩm thực với thịt sống trong lễ bỏ mả, còn nhớ lúc tiễn chúng tôi ra khỏi làng, cụ bà K’Len cho biết bây giờ cuộc sống của người Gia Rai Arap đã có những tiến bộ, có nhiều đổi thay trên các mặt, trong đó có chuyện ăn uống, những gì hợp thời, hợp vệ sinh sẽ được phát huy. Và những gì gây hại cho sức khỏe của mình và mọi người thì được đào thải.
Nói thì nói vậy nhưng khi được hỏi thăm rằng những món thịt sống rờn rợn kia có được duy trì đến hôm nay, các già làng cười ý nhị bảo rằng khi nào làng có lễ bỏ mả, các già sẽ nhắn tin để tôi đến dự, khi ấy câu hỏi của tôi sẽ có đáp án trọn vẹn nhất.
Nam Phương (Dòng Đời) - Nguồn Dân Việt