Trong hủ tục của dân tộc Mông, các nghi thức trong đám tang khi có người qua đời là nổ súng kíp sau khi tắt thở, không đưa người chết vào quan tài. Các nghi thức trong thời gian tổ chức đám tang diễn ra rườm rà, kéo dài 3 - 4 ngày, có nơi còn để 7 ngày, rồi nhờ thầy cúng, thầy mo xem giờ phù hợp, giờ đẹp mới cho vào quan tài, nên thi thể khi mang đi chôn đã có dấu hiệu phân hủy, gây ô nhiễm mất vệ sinh.
Các gia đình có tang thường giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, nếu những gia đình nghèo không có thì phải đi vay mượn. Ngoài ra người Mông còn có hủ tục tồn tại từ nhiều đời nay là cạy miệng người chết để cho thức ăn vào khi đến giờ ăn. Việc làm này gây mất vệ sinh rất nghiêm trọng, có thể bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người còn sống.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc xây dựng nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội, đã được huyện Điện Biên Đông tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu; quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa; đổi mới phong tục tập quán trong việc tang lễ cho phù hợp với nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống phong tục tập quán của dân tộc Mông.
Huyện còn hỗ trợ kinh phí cho gia đình đồng bào Mông có người chết, nếu tổ chức việc tang đúng theo quy định của huyện sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để đóng hoặc mua quan tài, hỗ trợ này được kéo dài đến năm 2015. Nhờ các biện pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả trên mà hiện nay tình trạng đám tang để lâu hầu như không còn.
Theo ông Vàng A Hờ - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, để nâng cao hiệu quả, ý thức người dân thực hiện nếp sống văn minh, huyện đã chỉ đạo các xã triển khai đến từng nhà vận động, thuyết phục. Các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tiên phong trong xoá bỏ các hủ tục này; các nội dung văn minh trong tang lễ cũng được thống nhất bổ sung vào quy ước thôn, bản.