Chuyên nhặt “chổi cùn, rế rách”
Đó là câu nói vui mà người ta thường nói về ông Nguyễn Công Đồn (SN 1947), trú tại thôn Tư Một, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, từng làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nhiều năm. Trong những năm công tác, ông Đồn có một sở thích là hay sưu tầm, nhặt nhạnh những đồ đạc cũ của nhà nông.
Ông giữ lại tất cả những vật dụng sinh hoạt của gia đình ngày xưa để lại, từ cái cối đá, cái máy khâu hỏng, chum dưa, vại cà... Rồi mỗi chuyến công tác ông thấy cái gì hay như cái nón mê, mâm cơm gỗ... người ta vứt đi thì ông ngỏ lời xin hoặc mua lại để đem về. Ai cũng phì cười với sở thích kỳ quặc của ông nên cho không, thậm chí còn lôi cả mấy cái cày bừa cũ kỹ, bình vôi, cơi trầu, áo tơi… ra biếu nốt cho khỏi chật nhà họ.
Với thành quả vài chục năm công tác kiêm sưu tầm những “chổi cùn, rế rách”, vị cựu chủ tịch huyện đã có một số vốn kha khá những vật dụng của nhà nông ngày xưa với hàng nghìn thứ lỉnh kỉnh, treo đầy nhà.
Cũng từ đó mà nhà ông Đồn bỗng trở nên nổi tiếng vì những thứ “nhà quê” đó. Bạn bè, khách khứa đến chơi, thấy nhà ông cũng không rộng rãi lắm mà chất đầy những vật dụng cũ kỹ như vậy thì thấy buồn cười nhưng cũng rất thích thú ngắm nghía, xem xét. Quá nhiều đồ đạc dù sắp xếp thế nào cũng không đủ chỗ, trong khi đó những thứ ông sưu tầm được không ngờ được rất nhiều người quan tâm kéo tới tham quan.
Nhiều nhất là các cháu học sinh, cùng các ban ngành đoàn thể các vùng xung quanh, cứ đến huyện Lục Ngạn là lại đến nhà ông Đồn để xem. Có khi mấy ngày liền nhà ông chật kín người, hết đoàn này đến đoàn khác vào thăm. Từ đó ông nảy sinh ý định là xây một căn nhà để trưng bày vật dụng cho khách khứa đến tham quan có thể ngắm nhìn một cách thoải mái.
Nghĩ là làm, ông liền bỏ tiền đầu tư xây nên căn nhà như kiểu nhà sàn rộng rãi để trưng bày hiện vật. Bạn bè và những người thích thú ý tưởng của ông khi biết ông làm cũng góp một phần giúp ông hoàn thành công trình của mình.
Tâm huyết với “hồn quê”
Trong số hiện vật sưu tầm của ông, tuy là những vật dụng bỏ đi của nhà quê, không dùng nữa nhưng cũng có những thứ gắn liền với lịch sử. Ví dụ như chiếc xe quệt trâu kéo ngày xưa của nông dân trung du Bắc Bộ dùng để chở phân, kéo lúa qua nương, ruộng bậc thang. Xe thiết kế chỉ dùng thân cây để di chuyển quệt trên đường đi mà không có bánh xe.
Đây là chiếc xe trâu từng kéo viên đại úy phi công Mỹ bị bắt trong thời điểm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc đầu những năm 1970 của quân và dân ta. Chiếc xe này của một người dân xã Sơn Hải, khi viên phi công rơi xuống làng, bị thương không đi được, dân quân liền dùng chiếc xe này cho hắn ngồi và dùng trâu kéo chở ra tận Huyện đội Lục Ngạn lúc bấy giờ.
Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy công nhận công trình của ông Nguyễn Công Đồn là một bảo tàng tư nhân. Nói về điều này, ông Đồn cười sảng khoái cho biết: “Có gì to tát đâu, tôi chỉ muốn giữ lại cho con cháu xem và thấy được cái hồn quê ngày xưa, chứ không có ý muốn danh hiệu nào cả…”. |
Rồi còn tấm bản đồ huyện Lục Ngạn được làm từ hơn 30 loại gỗ đại diện cho 32 xã cùng thị trấn Chũ. Hay như chiếc mâm nhôm làm từ cánh máy bay tiêm kích của Mỹ bị bắn rơi, hoặc là chiếc điện thoại dùng tay quay số của một vị tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ thời chống Pháp… Rồi chiếc xe đạp thời kỳ bao cấp là phương tiện công tác của một số vị lãnh đạo huyện Lục Ngạn, vẫn còn nguyên cả biển số xe và giấy tờ đăng ký thời đó.
Khu trưng bày hoàn thành, ông Đồn đem tất cả vật dụng sưu tầm được sắp xếp cẩn thận sao cho người đến xem có thể quan sát toàn diện, thuận lợi nhất. Ông đặt tên nôm na là “Khu trưng bày vật dụng sinh hoạt của nhà nông”. Từ khi xây xong khu nhà trưng bày, cái “bảo tàng” tí hon đó của ông Đồn lại càng nổi tiếng hơn.
Chia sẻ về “bảo tàng” của mình, ông Đồn chỉ cười và khiêm tốn nói: “Đó không phải là bảo tàng, chỉ là khu nhà tôi trưng bày vật dụng sưu tầm của cho mọi người xem thôi. Tôi làm việc này bởi chính tôi cũng là một người nông dân, gắn bó với nông nghiệp nên tôi yêu thích nó. Và hơn nữa tôi muốn giữ lại cho con cháu sau này thấy được cuộc sống của cha ông ta trước kia thế nào…”.
Những ai đến tặng đồ vật, ông đều cẩn thận ghi chép, chụp ảnh lưu niệm cùng họ, và để cuốn danh sách đó một cách trang trọng ở ngay cửa ra vào của khu trưng bày. Ngoài ra, ông còn xây một khu nhà lưu niệm lưu giữ những hình ảnh của miền quê vải Lục Ngạn cùng những hiện vật tiêu biểu của các dân tộc trên quê hương. Một khu triển lãm lưu giữ những hình ảnh “Bác Hồ với sinh vật cảnh”, vì ông vốn là người yêu sinh vật cảnh. Ngoài ra còn có thư viện gia đình nhưng luôn mở rộng cửa cho tất cả những người thích đọc sách đến đây.
Thanh Hà