Kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc
Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, đến luỹ tre rủ bóng mát trên đường làng, hay vườn cây, ao cá... vốn là nét đẹp đặc trưng của làng quê Việt. Ngày trước, muốn vào làng, người dân phải đi qua cổng làng. Cổng được xây bằng gạch, đứng sừng sững, uy nghiêm như chứng tích thời gian, ghi dấu bao kỷ niệm vui buồn của một đời người. Qua cổng làng, ta sẽ bước vào thế giới làng với hệ thống đường ngang ngõ tắt như xương cá, dù đi đến đâu, thì nhà nào nhà nấy cứ mở cổng là gặp ngõ, qua ngõ là đường làng. Làng được bao bọc bởi những luỹ tre xanh, sau luỹ tre là những mái nhà tranh ấm cúng.
Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ xưa khá giống nhau, đó là những ngôi nhà một tầng đơn sơ, nền làm sát mặt đất, vật liệu chủ yếu là tre, nứa lá, rơm rạ. Khuôn viên nhà gồm: qua cổng đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, khu vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh, bên ngoài bao bọc bởi lũy tre làng... tạo nên mô hình sinh thái khép kín vườn - ao - chuồng.
Ông cha ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình từ chọn đất, chọn hướng đến xây dựng nhà ở, ví dụ “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam”. Vốn gần biển, trong khu vực gió mùa nên trong bốn hướng chỉ có hướng nam là tránh được nắng chiều hướng tây (nắng xiên khoai), gió lạnh từ phương bắc (gió mùa đông bắc), bão từ phía đông và hứng được gió nồm thổi đến từ phía nam vào mùa nóng. Ngoài ra, cha ông ta cũng còn dựa vào thuyết phong thủy để tìm những thế đất tụ linh, tụ phúc... phù hợp với vận mạng của từng gia chủ khi đặt móng xây nhà.
Nhà ở của cư dân đồng bằng Bắc bộ thường được làm bằng khung xoan, mít hay tre có kết cấu vững chắc với vì kèo ba bốn cột, liên kết bởi xà ở đầu và bậu ở chân cột. Xoan, mít hay tre sau khi được chọn lựa, để tránh bị tượng mối mọt và tăng độ bền, trước khi dựng nhà người ta thường mang đi ngâm ở các ao, hồ khoảng 1-2 năm. Nhà thường được làm với kết cấu ba gian hai trái, đối với những nhà khá giả thì có thể nhiều hơn và nguyên vật liệu làm khung nhà được chọn có thể là những cây gỗ tốt hơn.
Mái của ngôi nhà được thiết kế có độ dốc lớn để thoát nước mưa và tránh dột, tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai... Mái đưa ra xa chân tường vừa tạo nên bóng râm vừa tránh mưa hắt vào các chân cột gỗ và tường đất nện. Từ đó tạo nên hiên nhà giúp che nắng (tránh ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào trong nhà), đồng thời nới rộng không gian sử dụng tiện ích cho ngôi nhà. Chất liệu lợp mái tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà có thể là ngói hoặc tranh.
Để tạo không gian mát lành cho ngôi nhà, người xưa đã biết sử dụng tán cây, trồng những giàn cây leo quanh nhà như mướp, bầu bí… tạo thành các tấm che nắng tự nhiên, vừa tránh nắng nóng cho người và gia súc, chống chói do phản xạ từ các bức tường quét màu sáng quanh nhà, vừa lấy rau quả làm thức ăn.
Phần tường bao quanh nhà vừa bảo vệ, ngăn chia không gian, vừa cách nhiệt - nhất là hướng tây, để có những giải pháp trang trí kết hợp với cách nhiệt điều tiết khí hậu như các ô thông, cửa sổ, tường quét vôi màu trắng hoặc để nguyên màu tự nhiên của vật liệu, tường gạch không tô trát mà chỉ miết mạch, tạo cảm giác khang trang mát mẻ trên nền cây cối xanh tươi, bớt đi cái oi bức của mái ngói, sân gạch. Đối với tường bằng đất nện thì được làm rất dày tạo sự ấm cúng về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
Ngôi nhà thường chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với diện tích khuôn viên, phần lớn được làm sân vườn trồng rau, hoa màu và cây ăn quả, làm hàng rào… tạo nguồn rau tươi, bóng mát có tác động điều hòa môi trường, che nắng, gió và chắn tầm nhìn vào nhà.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy cái lý của người xưa khi ứng xử với khí hậu thời tiết: trồng cây lá rậm, lá to như cây chuối ở mặt nhà phía bắc để ngăn gió lạnh vào mùa đông, cản bức xạ mặt trời vào mùa hè (lúc này mặt trời ở hướng bắc); trồng cây có thân cao như cây cau ở phía nam của nhà để không ngăn cản gió mát mùa hè cũng như không che ánh nắng chiếu vào nhà về mùa đông (mùa đông, mặt trời ở hướng nam). Vì vậy các cụ đã đúc kết khi chọn lựa trồng cây cạnh nhà “trước cau sau chuối”.
Việc trồng cây quanh nhà, tạo thành vườn, làm hoa viên, ngoài chức năng tạo bóng mát, cải tạo khí hậu, trang trí… người ta còn tính đến việc khai thác giá trị kinh tế. Khuôn viên vườn thường có quy mô nhỏ gồm nhiều loại cây, rau. Người nông dân tận dụng thời gian nông nhàn tăng gia sản xuất, trồng hoa màu cung cấp thêm nguồn thực phẩm và nhu cầu khác cho gia đình khi mà việc trồng lúa theo mùa vụ không đủ bảo đảm nhu cầu cho cuộc sống. Cây trồng trong vườn gồm nhiều loại có giá trị cho cuộc sống thường ngày của người Việt: loại cây tạo nguồn thực phẩm rau màu, cây ăn quả, cây gia vị, cây phục vụ nghi lễ, cây làm thuốc…
Như vậy, cách ứng xử với các yếu tố thiên nhiên cho thấy khả năng thích ứng và chủ động của người dân vùng châu thổ sông Hồng trong ứng phó và tận dụng thiên nhiên khi xây dựng không gian cư trú, thể hiện sự hòa hợp hoàn toàn với thiên nhiên. Đây cũng là kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm, nhiều thế hệ của cư dân nơi đây, tạo nên nét kiến trúc độc đáo trong việc xây dựng không gian đời sống văn hóa mà biểu trưng là khuôn viên ngôi nhà gắn với cảnh sắc và con người, tạo nên biểu tượng về văn hóa làng quê Việt.
Kiến trúc làng quê truyền thống ở Bắc bộ đứng trước nguy cơ bị phá vỡ
Khi tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là nông thôn miền Bắc. Những ngôi nhà cao tầng với bê tông cốt thép mọc lên ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống. Đầm phá, ao hồ ngày càng bị thu hẹp hoặc bị lấp dần. Không gian đô thị hiện đại đang dần lấn át không gian truyền thống làng quê.
Là một trong hai ngôi làng cổ của Hà Nội, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), cũng đang phải đối mặt với tình trạng kiến trúc bị phá vỡ. Trong làng, hiện nhiều đoạn đường đã không còn lát gạch xếp nghiêng mà thay vào đó là đường bê -tông. Dù đường chưa mở rộng nhưng Cự Đà bây giờ tấp nập quán hàng.
Dịch vụ tư vấn nhà đất xuất hiện, các quán cà phê, internet mọc lên. Nhiều ngôi nhà cổ trên dưới 300 năm tuổi lặng lẽ bị “dìm chết” bởi thời gian, hoặc bị bỏ rơi. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ bị đốn ngã, xóa sổ để xây dựng những ngôi nhà mới. Ông Vũ Đăng Tuấn, thôn Cự Đà, chia sẻ: “Trước đây, thôn có nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với mái ngói thâm nâu. Nhưng từ khi thành đất Thủ đô thì ngôi làng yên tĩnh hiền hoà này đã đổi thay nhanh chóng”.
Thực trạng ở các làng cổ đã vậy, ở nhiều vùng nông thôn khác, sự biến đổi chắc còn mạnh mẽ hơn. Nhà cửa, ngõ xóm và không gian làng quê xưa không được quy hoạch, gây nên sự hỗn độn, chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn dĩ nền nã, thanh bình. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay đã bị thu hẹp dần trước sự nở rộ của các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Những nhà xưởng, nhà cao tầng kiên cố... thay thế dần vườn cây, ao cá, nếp nhà bình dị. Ven con đường làng nhỏ bé được xây dựng những dãy nhà như bao diêm giống thành phố, cái nhô lên, cái thụt xuống...
Hình ảnh những nếp nhà ngói rêu phong, lũy tre xanh và chiếc cổng làng vốn thân quen với người dân dần phai nhạt, trở thành những nơi tập trung đông dân cư, khó có thể xác định được đâu là thị tứ, thị trấn hay nông thôn. Mặc dù chúng ta cũng phải thừa nhận rằng quá trình đô thị hóa và kiến trúc hiện đại với sự tiện lợi của nó cũng đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với những trang thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên để giữ được những nét đẹp truyền thống và bình dị nơi thôn dã mà không phá vỡ đi kiến trúc truyền thống từ ngàn đời xưa ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý cần có những nghiên cứu, biện pháp quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn sao cho hợp lý, vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, để thế hệ sau còn biết đến và hiểu về văn hóa làng quê Việt Nam qua cuộc sống chân thực ở chính nơi được gọi là làng quê Việt.
Theo Tạp chí Quê hương