Ngủ ngửi để chọn vợ là một nét văn hoá riêng của người Dao đeo tiền Xuân Sơn – huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Bao cặp đôi vợ chồng chung sống hạnh phúc nhưng không ai có thể lý giải được tập tục hết sức khác người này.
Các thiếu nữ người Dao đeo tiền, đến tuổi “ngủ ngửi” đang mong chờ tiếng cộc kệch vang lên trước cửa vào mỗi buổi tối, để khẳng định rằng mình đã lớn.
Vùng đất huyền thoại
Trên bản đồ hành chính, xã Xuân Sơn nằm vào “điểm chết” của tỉnh Phú Thọ. Nói vậy vì cái huyện Tân Sơn – một huyện miền núi xa ngút ngàn mây này thì xã Xuân Sơn có lẽ cũng là xã xa nhất. Một mặt giáp xã Minh Đài, (Phú Thọ) mặt kia giáp Phù Yên, tỉnh Sơn La còn mặt nữa lại giáp với xã Đà Bắc của tỉnh Hoà Bình. Chính do cái điều kiện tự nhiên ấy “trói buộc” nên sự vận động của xã đã mặc nhiên không bị cuộc sống của cơ chế thị trường xâm nhập và bảo lưu được những tập tục ngàn đời của mình.
Trong không gian tĩnh lặng đến mơ hồ và đầy nghi hoặc, bên ánh lửa bập bùng đầy bí hiểm, chúng tôi chuyện trò cùng với cụ Đặng Văn Sơn, người cao tuổi nhất xã bên chén rượu đao, một loại rượu quý nấu từ cây đao lấy ở trên núi đá thẳm sâu cứ hết lại đầy. Càng khuya, câu chuyện đi về với huyền thoại của tôi với cụ càng có chiều sâu. Lửa càng đượm, chuyện càng mặn mà.
Ngược dòng thời gian, cụ Sơn bảo, không biết tập tục Ngủ ngửi để chọn vợ của người Dao đeo tiền có từ khi nào. Cụ bảo hồi còn trai trẻ, cụ đã được người già trong bản kể về huyền thoại này, bên bếp lửa, vào một đêm tối trời. Cụ bảo, người Dao đeo tiền ngày xưa thường ở nơi xa xôi, cheo leo, hẻo lánh. Thuở hồng hoang, ông trời không biết tại sao chỉ cho trái đất này có hai người Dao, một nam và một nữ. Khốn khổ cho hai con người ấy, khi được thượng đế cho xuống trần gian lại ở hai nơi heo hút và xa lắc, trời bắt họ phải tự tìm đến với nhau.
Tránh thú dữ, tránh cạm bẫy nhân gian bủa vây với bao nhiêu đam mê, hai người Dao mải miết đi tìm nhau. Tìm mãi, tìm mãi, đến khi gối mỏi, lưng còng, mái tóc xanh nhuốm sương gió bụi trần họ mới gặp nhau. Tìm được nhau rồi, mặc những quy định nghiệt ngã của Trời đất, hai trái tim khô héo như được hồi sinh, họ nhanh chóng thành vợ thành chồng. Nhưng cũng vì quá say tình, họ đã quên mất cái nhã ý của ông trời là buộc họ phải làm quen hơi nhau.
Đòn trừng phạt của ông trời thật khắc nghiệt. Lúc đó, con người thành nạn nhân sống như chết dần. Gần mặt nhưng xa lòng. Khi hai cơ thể sống là vợ là chồng mà không thể hoà nhập được thật là một sự đầy ải. Và thế là cái ông bà người Dao đeo tiền của thuở sơ khai ấy đã buộc cháu con khắc phục lại lỗi thiếu sót của họ với lời nguyền “ngủ ngửi”. Trai gái người Dao đeo tiền đến tuổi cập kê, cứ tối tối lại tìm đến với nhau để chuộc lỗi với ông trời, cái lỗi vội vàng yêu mà ngày xưa tổ tiên họ mắc phải. Họ phải ngửi mùi nhau và ngủ để cho 2 cơ thể quen hơi, để họ được đến với nhau một cách trọn vẹn hơn.
Một lần cạy cửa
Theo anh Bàn Xuân Lâm – chủ tịch xã, một người Dao đeo tiền của thế hệ mới (có nghĩa là biết chữ, có kiến thức, biết tiếp thu và đã làm quen đủ các phương tiện thời hiện đại) thì hiện tại tập tục Ngủ ngửi để chọn vợ của người Dao đeo tiền ở Xuân Sơn vẫn còn lưu giữ, không bị mai một.
Xã Xuân Sơn có 4 thôn với các tên là Dù, Lấp, Cỏi, Lạn với hai hệ họ Dao là họ Đặng và họ Bàn. Đến nay, cả hai dòng họ này đều lưu truyền tập tục “ngủ ngửi”. Rồi anh kể, ngay bản thân anh, 13 tuổi anh đã được bố mẹ cho phép, được các anh lớn tuổi và bạn đồng lứa rủ đi “ngủ ngửi”.
Cuộc đời anh, 13 năm trôi qua, 13 mùa xuân đi ngủ, ngủ rồi không hợp hơi lại thôi, cho tới lúc tuổi đã gần 30 anh mới gặp được người vợ bây giờ. Người con gái ấy, ngủ buổi đầu, hợp hơi ngay và anh chị đã nên vợ nên chồng, có 2 con gái, 1 con trai. Đến bây giờ cô gái đầu lòng đang làm cô giáo mầm non ở xã, cũng đã đến tuổi đi “ngủ ngửi”. Mỗi tối, tiếng cộc cộc gõ cửa vang lên từng nhịp, anh biết con mình đã lớn.
Trong 4 thôn của xã Xuân Sơn thì thôn Cỏi được coi là thôn vẫn giữ được tập tục “ngủ ngửi” nhiều nhất của xã. Anh Đặng Văn Quyết – Bí thư đoàn xã, một “chiến binh” về sự “ngủ ngửi” này bộc lộ quan điểm: “Ngủ ngửi” với người Dao ở đây là một quy định bắt mọi người phải thực thi. Chàng trai nào mà lấy vợ, không thực thi tập tục này là bị cánh con gái Dao cho ra ngoài rìa ngay”.
Theo chân Quyết, tôi vào thôn Cỏi. Các nhà ở đây đều ăn cơm tối khi ông mặt trời mới bắt đầu xuống núi. Thấy tôi băn khoăn, Quyết cho biết, thông thường ở đây, các nhà có con trai, con gái đang vào độ tuổi “ngủ ngửi” thường ăn tối rất sớm. Ăn để cho những người con lớn tuổi còn có thời gian đi gõ cửa để “ngủ ngửi”, để kiếm dâu, kiếm rể về nhà. Đêm chưa xuống nhưng cả thôn đã sôi động. Tiếng xì xào đã vang lên, tiếng gõ cửa khua vách đã rộn vang khắp xóm, thậm chí, nhà nào đông con gái hoặc có con gái xinh thì bố mẹ chỉ mất ngủ, có khi phải ngủ bù vào sớm hôm sau.
Biết mình là một người “ngoại đạo”, không thể thực hiện ngủ ngửi để chọn vợ với một cô gái Dao nào đó, thế nhưng cùng với Quyết, tôi đã ghé vào một nhà nằm ở cuối xóm, nơi ấy có một cô gái mà Quyết đã chọn. Đưa tôi vào nhà giới thiệu với cha mẹ cô gái, khi một chai rượu và một ít thịt dúi khô được cha cô gái đem ra đãi tôi thì Quyết đã bí mật lẻn ra thực hiện phần nhiệm vụ của mình. Tiếng cộc cộc vang lên, Quyết được đón vào phòng và đang chuyện trò thẽ thọt với cô gái mà tôi không biết mặt ở nơi góc nhà cùng hơi ấm của chăn nệm. Nếu thuận, thì chỉ cuối năm nay thôi, Quyết sẽ có vợ. Cầu mong họ sẽ ấm hơi cùng nhau để gắn kết trọn đời, loại bỏ một định mệnh mà tổ tiên họ phải gánh chịu.
Tạm biệt Xuân Sơn khi thung lũng còn đang ngái ngủ, tôi trở về phố thị với một nhánh phong lan rừng. Dẫu chẳng được “ngủ ngửi” như Quyết và những trai bản Dao đeo tiền, nhưng tôi thấy mình cũng mãn nguyện. Dù sao đó cũng là điều may mắn vì tôi đã biết thêm về một tập tục rất đặc biệt của một dân tộc vùng cao Phú Thọ. Tập tục ấy, có thể còn những điều chưa hợp lý nhưng theo các già làng, ông trời đã bắt họ làm vậy, và điều cốt lõi, làm vậy để trai gái được kết duyên vợå chồng, được sống trọn đời chung thuỷ bên nhau…